Quốc tế

Triều Tiên thất vọng về Tuyên bố Bàn Môn Điếm, ra điều kiện phi hạt nhân hóa

(DNVN)-Theo ông Kim Hong-gol, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác và Hòa giải Quốc gia và là con trai cựu Tổng thống hàn Quốc Kim Dae-jung, giới chức Bình Nhưỡng rất thất vọng về việc trì hoãn tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã đưa ra điều kiện để phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Hong-gol, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác và Hòa giải Quốc gia chia sẻ với Tờ The South China Morning Post rằng, các quan chức Triều Tiên tỏ thái độ thất vọng trong khi ông tới thủ đô quốc gia này vào tuần trước. 

"Các quan chức Triều Tiên cho biết, họ thất vọng về việc trì hoãn và đã đặt câu hỏi liệu có lý do chính đáng nào cho sự chậm trễ này hay không", ông Kim nói, đồng thời lưu ý Bình Nhưỡng dường như tin tưởng rằng họ đã nhượng bộ đáng kể và mong muốn có hành động tương xứng. 

"Triều Tiên ban đầu muốn một hiệp ước hòa bình nhưng hiện tại họ yêu cầu một tuyên bố chấm dứt chiến tranh", ông Kim cho biết. 

Triều Tiên thất vọng về Tuyên bố Bàn Môn Điếm, ra điều kiện phi hạt nhân hóa
 

Ông cho biết thêm, họ muốn tuyên bố này được thực hiện trước tiên để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa. 

Đặc phái viên của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên, Kong Xuanyou, đã bay tới Bình Nhưỡng hôm 25/7 và được cho là trao đổi quan điểm với các quan chức Bình Nhưỡng về các đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa. 

Hồi tháng Tư, hai miền Triều Tiên đã cam kết sẽ làm việc cùng nhau trong năm nay để chính thức chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt bằng một lệnh đình chiến vào năm 1953. 

Tuyên bố Bàn Môn Điếm cho biết, hai miền Triều Tiên sẽ đạt được điều này thông qua các cuộc đàm phán ba phương giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, hoặc đàm phán 4 bên - bao gồm Trung Quốc. 

"Triều Tiên cũng phàn nàn về việc Seoul đang quá chú ý về cơ chế trừng phạt của Liên Hợp Quốc và quá thụ động trong việc khôi phục các dự án kinh tế liên Triều", ông Kim tiết lộ. 

 

Theo ông Kim, Bình Nhưỡng không hài lòng khi Seoul miễn cưỡng đối với việc nới lỏng lệnh trừng phạt. 

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo, kinh tế Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 so với 1 năm trước đó. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1997 và nhiều khả năng là do bị hứng chịu lệnh trừng phạt. 

Những bức ảnh vệ tinh do nhóm giám sát Triều Tiên 38 North tung ra hồi đầu tuần này cũng cho thấy rằng, Triều Tiên dường như đã tháo dỡ các cơ sở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa then chốt của họ tại Sohae - trạm phóng vệ tinh chính của nước này. 

"Triều Tiên sẽ từ bỏ hạt nhân nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chí ít là một phần", ông Kim cho biết. 

"Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ là cơ sở hợp pháp để chính quyền thuyết phục người dân từ bỏ hoàn toàn khả năng hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế", ông nhấn mạnh. 

 

Tại một cuộc họp báo kín hồi tuần trước, Seoul đã yêu cầu các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt để thúc đẩy các dự án kinh tế liên Triều. 

Ông Kim cũng đã thừa nhận vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình. 

"Mặc dù Triều Tiên không đề cập gì đến Trung Quốc trong chuyến đi mới nhất của tôi, nhưng tôi tin rằng sẽ không hợp lý khi loại Trung Quốc khỏi tiến trình này", ông Kim chia sẻ. 

"Tiến trình chấm dứt chiến trình sẽ khó khăn nếu không có sự tham gia của Trung Quốc", ông Kim nhận định. 

Nên đọc
Nguyệt Thu (Theo SCMP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo