Trình Chính phủ Nghị định "siết" bán hàng đa cấp trong tháng 3
Thời gian vừa qua, hàng loạt công ty đa cấp bị rút giấy phép do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực hoặc tự xin phá sản. Mới nhất là các Công ty TNHH My Fortuna; Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế; Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát...
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trong các vi phạm phổ biến có hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia thu lợi bất chính.
Trả lời báo chí liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42 quản lý bán hàng đa cấp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với 7 điều khoản chi tiết.
Chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Doanh nghiệp cũng cần phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để bảo đảm quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền. Việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng cần phải thực hiện thông qua chuyển khoản cũng là một điểm mới trong dự thảo Nghị định này.
Một điểm đáng chú ý khác là doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp.
Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số DN đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này.
Vì lẽ đó, theo ông Tân, với các vụ việc như vậy, các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 42 hiện đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thiện và sẽ trình lên Chính phủ trong tháng 3/2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững