Trinh nữ với thử thách múa sậy trong lễ hội tuyển vợ vua
Tại vương quốc Swaziland thuộc Châu Phi, hàng năm có tới hàng chục ngàn trinh nữ từ mọi ngõ hẻm của đất nước đến khu vực hoàng tộc để tham dự lễ hội “múa sậy” Umhlanga với hy vọng được vua nước này chọn làm vợ.
Lễ hội Umhlanga ra đời vào năm 1940, tuy nhiên điệu “múa sậy” chỉ mới xuất hiện từ năm 1991. Lễ hội ra đời nhằm mục đích tôn vinh việc giữ gìn trinh tiết, thể hiện sự kính trọng đối với Thái hậu, đồng thời gia tăng sự đoàn kết giữa các con dân trong vương quốc.
Đây được coi là một hình thức của chiến dịch phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vì nó tuyên truyền việc không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Lễ hội thường được tổ chức trong khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm và kéo dài trong 8 ngày.
Theo Ủy ban Tín nhiệm Quốc gia Swaziland (SNTC), hoàng gia chỉ định 1 người con gái thường dân làm đội trưởng và người này sẽ thông báo thời gian diễn ra lễ hội trên đài phát thanh. Đội trưởng phải là vũ công giỏi và am hiểu nghi thức hoàng gia. Một trong những con gái của nhà vua cũng sẽ giữ vị trí tương đương.
Ngày thứ nhất, trinh nữ từ khắp nơi đổ về làng hoàng gia ở Ludzidzini. Họ di chuyển theo tộc của mình và có những người đàn ông đi kèm để giám sát.
Họ ngủ trong những túp lều của người thân trong làng hoàng gia hoặc trong lớp học của 4 trường gần đó.
Ngày thứ hai, các cô gái được chia thành 2 nhóm, nhóm lớn tuổi (khoảng 14 - 22 tuổi) và nhóm nhỏ hơn (khoảng 8 - 13 tuổi). Vào buổi chiều, họ diễu hành đến bãi sậy.
Nhóm lớn thường đến các địa điểm xa hơn và có thể được chính quyền đưa đi bằng xe tải. Các cô gái đến nơi vào buổi tối và ngủ trong lều do chính quyền cấp.
Ngày thứ ba, các cô gái dùng dao rựa để chặt sậy, thường là khoảng 10 - 20 cây sau đó bó lại. Ngày nay, họ dùng dây nilon để buộc nhưng những người theo truyền thống vẫn buộc bằng dây thừng. Họ phải chọn những cây sậy dài và chắc nhất.
Có quan niệm rằng nếu sậy gãy trong thời gian các cô gái di chuyển đến một địa điểm ấn định nào đó thì có nghĩa là cô gái đó không còn trinh.
Ngày thứ tư, các cô gái mang theo bó sậy trở về làng hoàng gia vào ban đêm. Điều này nhằm 'thể hiện họ đã vượt qua một chặng đường dài'. Chỗ sậy họ mang về sẽ được dùng để sửa sang tấm chắn gió bao quanh làng hoàng gia.
Họ được nghỉ ngơi vào ngày thứ năm. Các cô gái sẽ chuẩn bị làm tóc và trang phục nhảy múa gồm vòng đeo cổ, lắc chân, khăn quàng và váy. Nhiều người trong số họ mang theo dao rựa trước đó dùng để chặt sậy như là biểu tượng của trinh tiết.
Ngày thứ sáu, lễ hội nhảy múa diễn ra vào khoảng 15 - 17h. Các cô gái để sậy ở bên ngoài và di chuyển vào khu biểu diễn.
Họ để ngực trần và nhảy múa theo nhóm. Mỗi nhóm đồng ca 1 bài hát khác nhau. Con gái vua và các thành viên nữ trong hoàng tộc cũng tham gia lễ hội. Họ được phân biệt bằng những chiếc lông đỏ đeo trên tóc.
Trong 2 ngày cuối cùng, vua Mswati III (chính giữa) đến dự lễ hội. Vào ngày thứ tám, ông ra lệnh giết mổ một số gia súc, thường là 20 - 25 con. Các cô gái lấy thịt và về nhà.
Lễ hội này cũng đồng thời là cuộc tuyển chọn mỹ nữ cho vua Mswati III. Một số nguồn tin nói rằng các cô gái tham gia phải được kiểm tra trinh tiết công khai.
Theo truyền thống, cô gái được vua chọn chỉ được gọi là cô dâu và chỉ chính thức thành vợ vua khi đã mang thai, tức là chứng minh mình có thể sinh nở được người thừa kế.
Được biết, người vợ mới của vua thường sẽ nhận được một chiếc BMW và cung điện riêng, làm dấy lên chỉ trích tại đất nước mà hơn 2/3 trong số khoảng 1,25 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Trần Chí Cường làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Đà Nẵng
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’