Tin tức - Sự kiện

Trình Thủ tướng 4 giải pháp phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN 2013

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2013, kết hợp với việc điều hành chi chặt chẽ, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Tài chính đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN, đồng thời dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN trong những tháng còn lại của năm 2013.
Nhiều khó khăn
 
Theo Bộ Tài chính, để tạo điều kiện chủ động cho công tác điều hành ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) trong thời gian tới cần thiết phải có văn bản hướng dẫn bổ sung việc điều hành NSNN. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN trong những tháng còn lại của năm 2013.
 
Tính đến hết tháng 4-2013, tổng thu cân đối ngân sách ước đạt 29,9% dự toán, trong đó: Thu nội địa đạt 30,1% dự toán, đạt thấp cả về tiến độ dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ một số năm gần đây; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23,7% dự toán, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012.
 
Tổng chi NSNN ước đạt 31% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 32,6% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 32,6% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 32,2% dự toán...
 
Qua tình hình thực hiện thu, chi NSNN 4 tháng đầu năm cho thấy thu NSNN khó khăn, tiến độ thu ngân sách ở cả lĩnh vực thu nội địa và thu về xuất nhập khẩu đều đạt rất thấp so với yêu cầu dự toán (yêu cầu dự toán phải đạt 33-35% dự toán; thực tế số thu 4 tháng từ 2 lĩnh vực này đều đạt thấp), với nhiều khoản thu quan trọng đạt thấp so với yêu cầu dự toán. Ví dụ như thu từ kinh tế quốc doanh chỉ đạt 28,5% dự toán; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 31,2% dự toán; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể số ghi thu, ghi chi đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đạt 32% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 29,3% dự toán; tiền sử dụng đất đạt 17,8% dự toán.
 
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (4,89% so với mục tiêu 5,5%); hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước còn khó khăn; lãi suất cho vay tín dụng còn cao; chỉ số tồn kho công nghiệp lớn; mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ chậm do sức mua thấp; thị trường bất động sản chưa phục hồi... 
 
Nguyên nhân chủ yếu do tác động không thuận lợi của nền kinh tế, kết hợp với việc thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm giảm nguồn thu ngân sách.
 
Mặc dù thực hiện các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ đề ra đã bước đầu phát huy hiệu quả; tình hình sản xuất - kinh doanh đã có dấu hiệu tích cực; tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tạo sức ép lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và công tác điều hành NSNN năm 2013.
 
Do đó, theo Bộ Tài chính, nếu không quyết liệt phấn đấu thì thu NSNN năm 2013 sẽ không đạt dự toán, ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách năm 2013. Trong khi đó, NSNN vẫn phải đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi phát sinh theo dự toán được duyệt và tiến độ thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhu cầu giải ngân vốn cho đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, trong quá trình điều hành cũng đã phát sinh các nhu cầu chi quan trọng, cấp thiết về quốc phòng, an ninh; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,… phải bố trí nguồn NSNN để thực hiện.
 
Vì vậy, đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với công tác chỉ đạo điều hành NSNN, cần phải có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2013 đã được Quốc hội quyết định.
 
Nỗ lực phấn đấu hoàn thành dự toán
 
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN trong những tháng còn lại của năm 2013 như sau :
 
Thứ nhất, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt chỉ tiêu đề ra (5,5%), tạo tiền đề cho việc hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013. Trong đó: Các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ; bám sát tình hình thực tế, chủ động có giải pháp phù hợp giải quyết hàng tồn kho, xử lý hiệu quả nợ xấu. Khẩn trương phê duyệt xong trước ngày 30-6-2013 Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời đối với những Đề án đã được phê duyệt.
 
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 12%; giảm lãi suất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế...
 
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013.
 
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó: Thực hiện cắt giảm dự toán chi, thu hồi để bổ sung nguồn dự phòng NSTW và NSĐP đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán năm 2013 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30-6-2013 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng không đúng quy định; vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2013 đã phân bổ cho các dự án nhưng đến ngày 30-6-2013 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai quy định.
 
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2013 sang năm 2014. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn đầu tư cho các dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách.
 
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các các nhiệm vụ chi thường xuyên, chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước,… Trên cơ sở đó thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 8 tháng cuối năm.
 
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xác định cụ thể số tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 8 tháng cuối năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2013; Bộ Tài chính thực hiện giữ lại số tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên tại hệ thống Kho bạc Nhà nước. Đến quý IV-2013, căn cứ tình hình thu chi NSNN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng số tiết kiệm này.
 
Thứ tư, điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo