Trở thành triệu phú nhờ “mạo hiểm” nuôi chồn, chó
Đó là ông Ngô Thanh Nguyên (52 tuổi, ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành) xuất thân là nông dân và gắn bó nhiều năm với công việc chăn nuôi. Ông đã nuôi rất nhiều loài như: Ba ba, đà điểu, trăn... Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh những giống vật nuôi đó không đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình ông, cuộc sống cũng trở nên khó khăn và vất vả.
Từ nuôi chồn…
Với quyết tâm cao và tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, từ năm 2008, ông Nguyên đã “mạo hiểm” chuyển sang nuôi chồn – một loài thú rừng độc lạ ít người nuôi và cũng rất khó nuôi. Khi được hỏi tại sao ông lại chọn chồn để “vực dậy” kinh tế gia đình, ông Nguyên chia sẻ: Thời điểm đó, thấy giá thịt chồn đang “sốt” trên thị trường, nhưng nguồn cung lại quá ít. Thế là ông quyết định nuôi chồn.
Và điều may mắn đã mỉm cười với ông, quyết định của ông hoàn toàn đúng vì đến nay, giá chồn thịt trên thị trường vẫn khá ổn định. Ông cho biết thêm: Những ngày đầu lập nghiệp với công việc nuôi chồn, ông Nguyên đã lặn lội lên huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để mua giống về nuôi thử. “Tui mua 6-7 con về nuôi rồi để cho nó đẻ và nhân giống tới bây giờ”, ông Nguyên bộc bạch.
Với kinh nghiệm gần chục năm nuôi chồn, ông Nguyên nói: Nuôi chồn rất cực, kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phải cẩn thận và kỹ lưỡng. Chồn phải được nuôi trong chuồng kín, che cả 3 mặt không thấy nhau và phải có độ tối nếu sáng quá thì chồn sẽ không đẻ. Bên cạnh đó, còn phải dọn dẹp, rửa khung, dùng thuốc sát trùng để tránh mầm bệnh.
Lúc đầu ông cũng thất bại và chật vật nhiều phen nhưng từ từ đúc kết kinh nghiệm để có phương pháp nuôi hiệu quả và chất lượng hơn. Công việc này đòi hỏi phải yêu thích và đam mê. Nếu đam mê không đủ lớn thì sẽ rất dễ nản chí. Có nhiều người thấy nuôi có ăn cũng tập tành nuôi theo nhưng vì không có đam mê nên cũng bỏ cuộc.
Hiện nay, giá chồn dao động từ khoảng 1,1-1,3 triệu đồng/kg. Một con chồn hương nuôi từ 3-6 tháng sẽ có trọng lượng từ 1,5-2 kg bán được từ 2,2 -2,6 triệu đồng/con. Đặc biệt, đối với chồn, nuôi càng lâu thì càng có giá. Trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 200-300 triệu.
Khi được hỏi về định hướng tương lai, ông Nguyên chia sẻ: Ông sẽ tiếp tục duy trì công việc yêu thích và sinh lợi này. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng và gia tăng số lượng chồn nái (chồn sinh sản). Hiện tại, trại của ông có khoảng 70 con chồn, trong đó có 25 chồn nái. Ông dự định đầu tư phát triển số lượng chồn nái lên khoảng 50 con để tăng năng suất và tăng thu nhập. … đến nuôi chó
Bên cạnh lợi nhuận từ chồn, ông Nguyên còn thu lãi khá cao từ hoạt động nuôi chó kiểng. Khi thấy người lạ bước vào nhà, gần 100 chú chó sủa ỏm tỏi, nghe như “dàn nhạc” đang hòa tấu. Ông Nguyên cho biết, ông bắt đầu nuôi chó cách đây khoảng 8-9 năm. Lúc đầu, chỉ nuôi thử nghiệm vài con chó Nhật, sau đó xuất bán thấy có lợi nhuận cao nên ông tiếp tục nuôi và mở rộng sang nhiều giống chó khác.
Hiện tại, nhà ông Nguyên nuôi hơn 10 giống chó kiểng có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như: Poodle, Alsaka, Cooker - Spaniel (Tây Ban Nha), Phóc Sốc, Bắc Kinh, sóc Chihuahua... với khoảng 100 con.
Ông Nguyên cho biết thêm, từ kỹ thuật nuôi chồn mở rộng sang nuôi chó cũng khá dễ dàng, kỹ thuật có những nét tương đồng nhau. Tuy nhiên công bằng mà nói thì nuôi chó có đơn giản hơn nuôi chồn rất nhiều. Trung bình mỗi tháng, đàn chó kiểng mẹ cho ra đời khoảng 25 con chó con. Mỗi con nuôi từ khoảng 45-60 ngày thì bán ra ngoài với giá giao động từ 800.000 – vài triệu đồng/con tùy loại, tùy giống. Với tiền bán chó kiểng, bình quân mỗi năm ông Nguyên thu về trên 300 triệu đồng. Nhờ vào nguồn lợi thu về từ 2 loài vật nuôi trên, kinh tế gia đình ông Nguyên đã ổn định và trở nên khấm khá…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới