Tin tức - Sự kiện

Trói báo chí vào cuộc chiến chống tham nhũng?

“Theo nguyên tắc báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới. Bảo vệ nguồn tin là pháp lý, đạo lý nghề nghiệp” - nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói về quy định truy vấn nguồn tin của báo chí trong dự luật PCTN sửa đổi.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc có phần phát biểu trong Hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí” do Ngân hàng thế giới (WB), Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hôm qua, 15/10.

 

Hội thảo đặt ra vấn đề hoạt động, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian tới khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa bổ sung một số nội dung về nghĩa vụ của báo chí.
 

Cụ thể, tại khoản 4 điều 101 dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) - dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây - quy định: Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

 

Theo nhiều đại biểu, quy định này mâu thuẫn với điều 7 của Luật Báo chí, theo đó, phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí “có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm tù trở lên).

 

Báo chí chống tham nhũng

Nhà báo Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến

(đứng hàng dưới) trong phiên tòa "hậu PMU18".

 

Câu hỏi đặt ra, quy định mới “nới” hơn quyền truy vấn nguồn tin của báo chí, nếu được Quốc hội thông qua có thể trở thành căn cứ để bất kỳ cơ quan nhà nước nào (từ công an, thanh tra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, kiểm tra Đảng…) đều có quyền yêu cầu mỗi tòa soạn cung cấp nguồn tin mà tờ báo đã sử dụng để đưa tin về tiêu cực, tham nhũng?

 

Luật sư Mai Lương Việt cho rằng, để có thể “quyết” nội dung quy định này, cần làm rõ vấn đề rất nhạy cảm liên quan tới khả năng tiết lộ danh tính người tố cáo tham nhũng. Trên thực tế, việc giữ bí mật danh tính và thông tin cá nhân là một trong những biện pháp hữu hiệu để người tố cáo tham nhũng tự bảo vệ mình.

 

Vì hệ thống quy định về việc bảo về người chống tham nhũng chưa thật đầy đủ nên thời gian qua, nhiều người tố cáo đã bị trả thù, đe dọa, trù dập dưới nhiều hình thức như hành hung, sa thải, đuổi việc, uy hiếp người thân, bị khủng bố về tinh thần và thể chất…

 

Một phương thức tố cáo tham nhũng công dân có thể tìm tới và đặt nhiều niềm tin là thông qua báo chí. Đây là phương thức được pháp luật công nhận và mang lại hiệu quả.

 

Còn với báo chí, quyền và nghĩa vụ liên quan tới việc không tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin đã được quy định tại Điều 7 luật chuyên ngành. Bảo vệ nguồn tin cũng là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo. Nguyên tắc này tạo nên một biện pháp bảo vệ hữu hiệu với người tố cáo.

 

Quy định mới của dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có khả năng dẫn tới nguy cơ tiết lộ danh tính và thông tin cá nhân của người tố cáo tham nhũng, có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn cho người tố cáo. Quy định không rõ ràng về người, cơ quan có thẩm quyền truy vấn nguồn tin của báo chí có thể dẫn tới việc diễn giải và áp dụng tùy tiện.
“Sự không rõ ràng cũng có khả năng làm phóng viên, nhà báo bị buộc phải vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, một mặt vừa gây khó khăn cho hoạt động báo chí, mặt khác, gây lo lắng, bất an, nhụt chí cho người tố cáo” – luật sư Việt phân tích.
 

Dẫn lại câu chuyện thực tế nghề nghiệp về việc phải chịu án tù giam trong việc đưa tin về vụ tham nhũng, tiêu cực tại PMU18, nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) kể, khi đó, anh và nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải trả một giá rất đắt khi cố gắng bảo vệ nguồn tin trong vụ việc này. Đó là một bài học đau xót, không thể quên đối với anh.

 

“Theo tôi, dự thảo luật Phòng chống tham nhũng nên bỏ khoản 4 điều 101. Xin đừng thêm một điều khoản nào nữa để “trói buộc” báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng!” - nhà báo Nguyễn Việt Chiến phát biểu.

 

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Trưởng ban Kinh tế báo Tiền Phong cũng lập luận, bảo vệ nguồn tin chính là bảo vệ uy tín của tờ báo vì nguồn tin chính là nguồn nuôi dưỡng sự sống của một tờ báo. Tờ báo bảo vệ nguồn tin tốt, không bán đứng nguồn tin chắc chắn sẽ có nhiều nguồn tin tốt.

 

Việc mở rộng chủ thể truy vấn nguồn tin của báo chí như điều Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định là hết sức nguy hiểm, trái với Luật Báo chí hiện hành và cũng đi ngược lại quan điểm của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.

 

Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Tư pháp - phân tích thêm, nguyên tắc báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới.

 

Người từng giữ cương vị cao nhất của Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Nếu đưa tin mà lộ cả nguồn thì vô hình chung lại thành tố cáo người cung cấp thông tin. Như vậy ai còn dám cung cấp tin cho báo chí nữa. Bảo vệ nguồn tin vừa là vấn đề pháp lý, vừa là vấn đề đạo lý nghề nghiệp”.

 

Như Trâm (Theo Dân Trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo