Tin tức - Sự kiện

Trong ngày vui, tặng nhau... cỗ quan tài

Bỗng dưng nhận được một vòng hoa trước cổng nhà, bất kỳ ai cũng hốt hoảng. Hành động "tặng" hoa kiểu này được xem là khủng bố tinh thần, tuỳ từng trường hợp có thể truy tố trước pháp luật. Thế nhưng, với người Cơ Tu ở dãy Trường Sơn, việc tặng nhau cả chiếc quan tài trong ngày vui như mừng lúa mới, cưới hỏi... là chuyện thường tình, đáng tự hào.
Cỗ quan tài của người được dân làng vọng trọng ông Y Công.
 

Vốn quý ở giữa hoang vu

Đầu tháng 9.2014, Hội đồng Di sản quốc gia đã công nhận 4 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia tại Quảng Nam. Trong đó, ngoài di sản phi vật thể là lễ hội rước cộ Bà Chợ Được ở xã miền biển Bình Triều, huyện Thăng Bình, 3 di sản còn lại đều thuộc về các hoạt động văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn, gồm: Nghề dệt thổ cẩm và vũ điệu tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu; nghệ thuật trang trí trên cây nêu (ngoài sân); bộ gu (trong nhà) của đồng bào Co.

Các di sản này lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, như lễ rước cộ Bà (tổ chức vào mùng 10 và 11 tháng Giêng) thể hiện đậm nét giao lưu văn hoá Chăm -Việt. Trong đó, vũ điệu tâng tung da dá (vũ điệu dâng trời) là nghệ thuật diễn xướng nổi trội trong kho tàng văn hoá dân gian Cơ Tu, nghệ thuật trang trí của đồng bào Co khu vực giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi là công trình sáng tạo tập thể đặc sắc.

 

Nhà mồ - nơi để quan tài được xây dựng hoành tráng như nhà của người đang sống.
 

Sự công nhận các hoạt động văn hoá tinh thần này của cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng tây Quảng Nam là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được đánh giá cao, tuy nhiên cũng là quá chậm so với tốc độ suy thoái, mất dần tính nguyên bản của các di sản này. Kể từ ngày đường Hồ Chí Minh được xây dựng, hạ tầng cơ sở các huyện miền núi, đặc biệt là giao thông phát triển mạnh, các bản sắc văn hoá của người bản địa lập tức bị biến dạng, lai căng, thậm chí bị mất dần. Những nhà Gươil tráng lệ, những nhà mồ huyền bí giờ rất hiếm. Những di sản phi vật thể chỉ còn là diễn trò làm du lịch, phi đời sống thực tiễn.

Rất may, trên những bản làng ở tận vùng núi cao, khuất nẻo đường đi, giao thông trắc trở thì văn hoá còn được bảo tồn. Vốn quý về văn hoá dân gian giờ chỉ nguyên bản trên những vùng núi hoang vu.

 

Một số cỗ quan tài chuẩn bị trước của người dân Tr'hy, huyện Tây Giang.
 

Đâu chỉ là ánh hồi quang

Trong một bài viết từng đăng trên Lao Động & Đời sống, chúng tôi đã kể về mỹ tục độc đáo "Những chiếc quan tài biết nói" của người Cơ Tu ở làng AUR, huyện Tây Giang. Đó là những chiếc quan tài mặc định mà làng đóng cho người chết. Nếu người quá cố nguyên là người sống tốt, sẽ được làng tổ chức đóng quan tài bằng loại gỗ quý, sắc màu hồng, đỏ, rực rỡ. Còn với người sống "chẳng ra gì", quan tài là loại cây khộp, chưa bỏ xuống đất đã bị mối, mọt ăn. Vì vậy, dẫu là người lạ ngang qua làng, chỉ nhìn vào chiếc quan tài vẫn biết ngay rằng, người nằm trong kia sinh thời đã sống thế nào...

Những quy định ấy nhằm mục đích chính là giáo dục, để cho mỗi người trong làng biết phải sống như thế nào, để đến khi chết không làm họ tộc, con cháu “bỉ mặt” với thiên hạ, khi sống phải biết giữ mình, sống tốt để được tiếng thơm cho bản thân, gia đình, dòng tộc và cả khi chết đi cũng không mang tiếng nhơ. Mỹ tục này cũng chỉ là ánh hồi quang của tộc người Cơ Tu miền núi cao, bây giờ ít nhiều đã mai một, rất ít làng còn giữ nguyên vẹn.

Nhưng, trở lại Tây Giang lần này, chúng tôi đã gặp rất nhiều gia đình, nhiều làng vùng cao vẫn còn giữ được nét truyền thống tốt đẹp này. Ngay tại xã Atiêng - huyện lỵ của Tây Giang vẫn tồn tại mỹ tục tưởng chừng chỉ còn trong chuyện kể. Trong căn nhà hiện đại của già làng Y Công, ở thị tứ A Tiêng, sừng sững một cỗ quan tài uy nghi đóng sẵn cho ông. Y Công nguyên là Chủ tịch UBND, Bí thư huyện uỷ huyện Hiên những năm thập niên 1990. Y Công mới gần 70 tuổi, ông còn phát rừng làm rẫy được. Thế nhưng, từ hơn 10 năm trước, Y Công đã chuẩn bị cho mình một cỗ quan tài sang trọng, chuẩn bị cho một chuyến đi xa, về với Yàng.

 

 Ông Y Công đã có cho mình cỗ quan tài ưng ý từ hơn 10 năm nay.
 

Cỗ quan tài của Y Công rõ là dành cho người quyền uy, đức độ, cho giai tầng cao của tộc người Cơ Tu. Đó là một đoạn gỗ lim nguyên thân, bán kính 2 vòng tay người ôm, được đục rỗng ruột để làm chỗ nằm yên nghỉ cuối cùng của Y Công. Bên ngoài được chạm trổ kỳ công hình 2 con rồng nổi. Hai đầu quan tài là hình đầu trâu tỉ lệ 1/1 trên nguyên thân cây gỗ lim này. Cỗ quan tài là cả một công trình điêu khắc gỗ tinh xảo, một sản phẩm mỹ thuật tuyệt hảo. Quan tài này không chỉ giá trị vì là loại gỗ quý hiếm còn rất ít ở những cánh rừng gần như rỗng ở đông dãy Trường Sơn như bây giờ, mà còn là công trình nghệ thuật có tiền tỉ cũng khó lòng mua được. Chúng tôi chỉ tiếc là rồi một ngày nào đó sẽ chôn đi cùng Y Công.

Với Y Công, ông mãn nguyện với "phương tiện" sẽ đồng hành với mình về cõi vĩnh hằng. Niềm tự hào của ông không chỉ vì có được cỗ quan tài sang trọng mà là giữ được nét văn hoá truyền thống đầy tính giáo dục, nhân văn lâu đời của người Cơ Tu. Theo ông, người Cơ Tu khi quý nhau, thường tặng nhau những cỗ quan tài nhân những dịp trọng đại như mừng lúa mới, lễ cưới hỏi...

 

Hiện nay các xã vùng cao của Tây Giang như Ch'ơm, Tr'hy, A Xan, G'ry..., mỹ tục tặng nhau quan tài trong ngày vui, chuẩn bị những cỗ quan tài cầu kỳ, giá trị cho những người có uy tín, vị thế cao của làng... vẫn tồn tại phổ biến. Đó là cái đích, sự phấn đấu của người trẻ để cuối đời được vẻ vang trên chuyến xe cuối cùng về với đất.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo