Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi ở Trung đoàn 31
Nhìn những vườn rau mồng tơi, rau cải, rau muống mơn mởn; giàn mướp khía, bí xanh nặng trĩu quả đang kỳ thu hoạch, không ai nghĩ rằng nơi này cách đây khoảng 10 năm là mảnh đất khô cằn, sỏi đá.
Thực hiện chủ trương “Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi”, đến nay, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309-Quân đoàn 4) đã tự túc được 100% định lượng rau xanh và cá; 95% định lượng thịt các loại, tăng 30% so với năm 2009. Trung đoàn là một trong đơn vị dẫn đầu của Quân đoàn về phong trào tăng gia sản xuất (TGSX).
Đến tham quan Trung đoàn 31, điều chúng tôi ấn tượng nhất là các khu TGSX tập trung đều được quy hoạch thống nhất và xây dựng cơ bản xung quanh các sườn đồi nơi đơn vị đóng quân. Nhìn những vườn rau mồng tơi, rau cải, rau muống mơn mởn; giàn mướp khía, bí xanh nặng trĩu quả đang kỳ thu hoạch, không ai nghĩ rằng nơi này cách đây khoảng 10 năm là mảnh đất khô cằn, sỏi đá.
Dẫn chúng tôi tham quan khu TGSX tập trung của các tiểu đoàn 7, 8, 9, Thiếu tá Mai Văn Khánh-Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn cho biết: Trung đoàn 31 đóng quân trên điểm cao thuộc khu căn cứ quân sự của Mỹ-Ngụy trước đây. Đây là khu đồi cao, có độ dốc lớn, đất đai chủ yếu là sỏi đá ong, nguồn nước ngọt rất khan hiếm so với các đơn vị khác. Từ năm 2006 trở về trước, việc chăn nuôi, trồng trọt rất khó khăn do khu TGSX tập trung chưa được qui hoạch cơ bản và đầu tư đúng mức; đất đai cằn cỗi, đường đi chưa được rải bê tông, hệ thống tưới, tiêu nước còn đơn giản không đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt quanh năm. Do vậy, đơn vị chỉ tự túc được trên 80% định lượng rau xanh, thịt và 50% định lượng cá, còn lại phải mua ngoài thị trường.
Mọi đổi thay được bắt đầu từ chủ trương đẩy mạnh TGSX, với khẩu hiệu: “trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” nhằm tạo bước đột phá trong tự túc thực phẩm do Đảng ủy Trung đoàn đề ra đầu năm 2006. Mục tiêu của khẩu hiệu là biến mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá thành những khu vườn màu mỡ để phát triển TGSX tạo nguồn cung cấp thực phẩm. Quyết tâm “Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” được hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong toàn Trung đoàn nhiệt tình ủng hộ và thực hiện. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu nguồn nước và vốn TGSX, Trung đoàn xác định việc đầu tiên là chọn một số vị trí thấp để đào hồ lớn làm nơi chứa nước. Với ý chí, nghị lực và tinh thần quyết tâm cao, sau 5 tháng lao động, cán bộ, chiến sỹ đào xong 01 hồ lớn có diện tích 2 ha vào đầu mùa mưa để dự trữ nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt trong mùa khô. Tiếp đó, Trung đoàn đầu tư trên 70 triệu đồng xây 01 bể có thể tích 50m3 làm nơi chứa nước chuyển tiếp đến các khu TGSX của đơn vị. Cùng với đó, Trung đoàn đã trích quỹ trên 85 triệu đồng để mua sắm máy bơm công suất lớn và đường ống từ hồ lên bể chứa, từ bể chứa lên các khu TGSX của các tiểu đoàn và khối đơn vị trực thuộc.
Sau khi đã giải quyết được nguồn nước tưới, đầu năm 2007, Trung đoàn tiến hành quy hoạch lại khu TGSX của các tiểu đoàn để chăn nuôi, trồng trọt theo hướng chuyên canh, qui mô lớn. Trên nền vườn trồng rau cũ, Trung đoàn huy động trên 11.000 ngày công bộ đội để san lấp mặt bằng tạo thành khu TGSX tập trung được giật cấp theo kiểu bậc thang (trên cùng là vườn rau, chuồng chăn nuôi lợn, dưới cùng là ao cá) thống nhất. Đồng thời huy động bộ đội lấy bùn ao, đất màu, kết hợp với phân chuồng về cải tạo đất. Sau hơn 3 tháng lao động, khu TGSX tập trung của các đơn vị được hoàn chỉnh, diện tích vườn, ao, chuồng được mở rộng hơn 40% so với trước. Cùng với đó, Trung đoàn đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng, tăng diện tích giàn cây leo, tăng diện tích vườn rau muống chuyên canh, do vậy, sản phẩm TGSX tăng 20% so với trước khi qui hoạch. Năm 2009, Trung đoàn được chọn là đơn vị đại diện cho Quân đoàn 4 tham dự hội thi “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” cấp toàn quân, do Tổng cục Hậu cần tổ chức và đạt giải Xuất sắc.
Để đáp ứng nhu cầu TGSX theo qui mô lớn, từ năm 2009-2011, đơn vị đã tiếp tục qui hoạch, làm đường nội bộ bằng bê tông, xây dựng mương máng thoát nước chắc chắn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cao. Do áp dụng khoa học công nghệ vào TGSX nên những năm gần đây ngoài việc bảo đảm thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội, có thời điểm Trung đoàn còn bán rau ra thị trường trên địa bàn đóng quân. Hiện nay, Trung đoàn có 5 khu TGSX tập trung đều được quy hoạch thống nhất với tổng diện tích vườn rau 36.800 m2 (tăng 35% so với năm 2006); 10.000 m2 giàn cây leo trên; 7,5 ha ao cá (tăng 40% so với năm 2006)… Các chuồng chăn nuôi được đầu tư xây dựng cơ bản, chắc chắn. Hệ thống ao hồ được cải tạo và mở rộng có thể nuôi thả cá quanh năm. Với diện tích vườn ao, chuồng như hiện nay, Trung đoàn thường xuyên duy trì 700÷750 con lợn các loại, bình quân hàng năm thu hoạch trên 190 tấn rau xanh; hơn 52 tấn thịt xô lọc; 56 tấn cá các loại. Giá trị thu từ TGSX và dịch vụ bình quân năm 2013 đạt 1.060.000 đồng/ người.
Từ mô hình TGSX của Trung đoàn 31, đến nay phong trào biến đồi trọc, sỏi đá thành vườn rau, ao cá đã được nhân rộng khắp Sư đoàn và Quân đoàn 4 góp phần đưa hoạt động TGSX của Binh đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả cao, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội./.
Quân đội Nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo