Trồng rau trong nhà kính - mô hình sản xuất của nông dân hiện đại.
Hệ thống nhà kính của tập đoàn Netafim được nhiều chủ đầu tư lớn (Habico, FDc, IDG, ĐH Nông nghiệp) lựa chọn để thực hiện dự án “Chìa khóa trao tay” trên cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 4 tỷ đồng (tương đương với 2 triệu đồng/m2) để xây dựng 2.000m2 nhà kính tại trung tâm kiểm định giống cây trồng và vật nuôi (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Sau một loạt các hệ thống nhà kính được lắp đặt trên cả nước thì đây được xem là nơi có mô hình nhà kính hiện đại nhất miền Nam và là hệ thống nhà kính thứ 6 được lắp đặt tại Việt Nam.
Nhiều loại cây trồng đang được đưa vào trồng thử nghiệm tại đây và cho kết quả khả quan. Đang có 500m2 cà chua được đưa vào thử nghiệm với lập trình tưới nước 19 lần/ngày và hàm lượng dinh dưỡng, phân bón được lập trình trên máy tính. Mô hình nhà kính có hệ thống tự động tưới nước, đo hàm lượng chất dinh dưỡng, phân bón cần thiết cho cây. Bên cạnh đó, hệ thống cảm biến hoạt động liên tục, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, độ gió theo những thay đổi thất thường bên ngoài, tạo cho cây trồng có điều kiện phát triển ổn định.
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng quá cao, hệ thống cảm biến sẽ tự động phun sương làm mát, đồng thời quạt hút ẩm cũng hoạt động tối đa, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Được thiết kế hệ thống mái che tự động có thể mở ra bằng 2 cánh, nhà kính sẽ điều chỉnh lượng ánh sáng cho cây đủ phát triển, hai mái che này sẽ được robot kéo lên để che chắn khi trời mưa ngăn cho nước vào trong.
ThS. Ngô Xuân Chinh ( Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), người đang trực tiếp thử nghiệm mô hình cà chua này cho biết: "Với 1.000m2 cho năng suất xấp xỉ 13 tấn, con số này gấp đôi sản lượng nông sản trồng thông thường và kéo dài thời gian thu hoạch, nhờ cây trồng cho hoa nhiều đợt.
Trung tâm quản lí và kiểm định giống cây trồng và vật nuôi đã chi 2 triệu tiền điện/ tháng để duy trì hoạt động kiểm soát môi trường bên trong nhà kính và điều kiện thời tiết bên ngoài của trạm khí tượng thủy văn "mini" này. Mọi hoạt động đảm bảo cây trồng có điều kiện môi trường phát triển thuận lợi nhất.
Ông Vũ Trung Kiên, phó giám đốc công ty TNHH thương mại – dịch vụ Khang thịnh, đại lí phân phối nhà kính và hệ thống phun nước nhỏ giọt Netafim cho biết: "để đầu tư hệ thống nhà kính này cần chi phí 1,2 triệu đồng/ m2 nhưng riêng với các vùng có điều kiện thời tiết ổn định như Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu thì chi phí này giảm xuống chỉ còn một nửa. Do ở Việt Nam chưa sản xuất được loại nhà kính này, mọi vật liệu đều phải nhập khẩu nên giá thành đắt, chỉ áp dụng lắp đặt được trên diện tích từ 50m2 trở lên".
Thạc sỹ Nguyễn Văn Kết - Trưởng khoa Nông học, Trường ĐH Đà Lạt, người phụ trách thử nghiệm 500m2 nhà kính cho biết những ưu điểm của mô hình này: "Trồng cây trong nhà kính có khả năng ngăn được sâu bệnh, từ đó tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sẽ được giảm hơn một nửa so với bên ngoài đồng ruộng. Các loại cây trồng trồng được quanh năm và đặc biệt quy trình sản phẩm khép kín, chất lượng luôn đảm bảo hợp vệ sinh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Năng suất phụ thuộc vào từng loại cây trồng, như cà chua được trồng trong nhà kính ở Israel cho năng suất 400-500 tấn/ha/vụ, so với ở Việt Nam chỉ đạt 60-80 tấn/ha khi trồng trên đồng ruộng.
Nhìn trên mặt bằng chung thì mô hình hệ thống nhà kính này mới đang ở mức thử nghiệm hoặc được các đơn vị nông nghiệp lớn áp dụng. Với khả năng cho năng suất cao và thời gian thu hoạch kéo dài thì chỉ khoảng 3 năm là người dân có thể thu hồi được nguồn vốn đầu tư ban đầu. Theo nhận định của các chuyên gia thì trong vòng 5 năm tới mô hình này sẽ được phát triển rộng rãi.
Hiện nước ta đang thử nghiệm và phát triển mô hình trồng rau trong nhà kính tại quần đảo Trường Sa. Điều này không những đem lại thành quả trong nông nghiệp mà còn có ý nghĩa về mặt an ninh quốc phòng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại