Trụ sở như cung điện: Thất thoát sẽ về đâu?
Dân đến cơ quan công quyền mà như đến một thế giới xa lạ quá, cao vờ vợi thì rõ ràng không thể nào thuận lợi được.
ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nói về những trụ sở hành chính được xây dựng hiện đại như cung điện khiến người dân e dè mỗi khi bước chân đến.
Kín cổng cao tường quá sẽ không ổn
Theo ông Tiến, mục đích xây dựng trụ sở theo hướng cải cách hành chính, một cửa một dấu nên các cơ quan hành chính địa phương, tỉnh thành phố xây dựng vào chung thì rất phù hợp.
“Nhưng nếu xây kiểu kín cổng cao tường, không tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được với cơ quan công quyền thì có thể tạo sự xa cách”, ông Tiến lo ngại.
Do vậy ông cho rằng, từ khi xây dựng cơ quan công quyền phải tính đến chuyện để người dân đến với cơ quan công quyền tiếp cận như thế nào. Ít nhất là phải có chỗ tiếp công dân thuận tiện, cắt cử người tiếp dân như thế nào khi họ có yêu cầu.
“Còn nếu kín cổng cao tường, bảo vệ rồi người dân mon men đến gần lại bị ngăn lại, như vậy là không gần dân. Rồi xây dựng trụ sở phải có hướng đến để người dân đến cơ quan công quyền thì phải thuận lợi. Còn dân đến cơ quan công quyền mà như đến một thế giới xa lạ quá, cao vời vợi thì rõ ràng không thể nào thuận lợi được”, ông Tiến nhấn mạnh.
Từng đi thăm quan một số cơ quan công quyền của Đức, ông Tiến cho biết họ chọn những vị trí ngay trên đường đi của dân và hoàn toàn không có sự rào dậu, ngăn cách. Các phòng làm việc đều là cửa kính trong suốt. Họ lý giải đây là một ý tưởng để chứng minh cơ quan công quyền minh bạch, người dân có thể giám sát bất cứ lúc nào.
“Đây là một ý tưởng rất hay nếu Việt Nam áp dụng được thì rất tốt. Còn nếu làm những tòa nhà cao vời vợi mà lại không có chỗ tiếp dân để tiếp cận thì thực sự là phản tác dụng”, ông Tiến nói thẳng.
Đã bộc lộ những hạn chế
Ông Tiến cho biết, dư luận quan tâm nhiều đến các tòa nhà hành chính quá đồ sộ cũng là có cơ sở. Gần đây có một số địa phương xây tất cả các đơn vị vào chung một tòa nhà mà không tính đến công năng sử dụng, rồi cũng không tính đến việc hàng nghìn người đều làm việc cùng một giờ.
“Nếu như một tòa chung cư người dân lên xuống lệch giờ nhau sẽ khác, đằng này tại tòa nhà hành chính cùng một lúc đều vào làm việc và 17h tan tầm nên nhiều nơi đã bị nghẹt ứ ngay tại cầu thang máy của cơ quan. Dù rằng xây dồn lại, tiết kiệm thì tốt nhưng đang thể hiện những mặt hạn chế”, đại biểu Tiến cho biết.
Ông cũng cho biết, có nơi xây dựng trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ mà để sử dụng vào mục đích khác, trong khi quy hoạch đã tính đến chuyện sử dụng trụ sở cũ vào việc khác, tốn kém nhân đôi.
“Kinh phí khó khăn không nên xây dựng trụ sở quá hoành tráng mà chỉ nên xây dựng vừa phải. Và những trụ sở còn đang làm việc được, công năng sử dụng tốt rất gần với dân thì tại sao không sử dụng nó mà lại đi xây dựng trụ sở mới”, ông Tiến nói.
Đại biểu Tiến cũng lo ngại: “Nếu công tác quản lý nhà nước không tốt sẽ có hội chứng xây mới trụ sở. Mỗi trụ sở tốn kém tiền của ngân sách và trong xây dựng rõ ràng có thất thoát. Có nơi kết luận thất thoát 20-30% thì tiền đó đi về đâu trong khi đất nước đang khó khăn như thế này”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo