Trưng cầu ý dân phải được trên 50% cử tri tán thành
Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành với việc quy định tỷ lệ “quá bán kép” để bảo đảm kết quả cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ.
Chiều 25-2, phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày.
Theo dự kiến, Luật Trưng cầu ý dân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015), QH khóa XIII.
Thuyết minh về dự luật, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết d ự thảo luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ những người không được ghi tên vào danh sách cử tri theo quy định của Luật này, có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân".
Dự luật đề xuất quy định sau khi UBTVQH ấn định ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quyết định của QH, chậm nhất là 80 ngày trước ngày bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân. UBTVQH thành lập Ủy ban trưng cầu ý dân Trung ương, Chủ tịch Ủy ban này là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch QH. Ủy ban trưng cầu ý dân Trung ương được thành lập để giúp UBTVQH tổ chức trưng cầu ý dân và chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó cũng thành lập các Uỷ ban trưng cầu ý dân địa phương (đến cấp xã).
Thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban pháp luật của QH tán thành với nội dung quy định của dự thảo luật vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về QH, UBTVQH đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức QH.
Mặt khác, đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định để bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính…). Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, có ý kiến cho rằng có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do QH quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định (như xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một vùng lãnh thổ, việc trao những thẩm quyền đặc biệt cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ở biên giới, hải đảo…). Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp, đề nghị dự thảo luật cần quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc nhưng trong một số trường hợp cũng có thể tiến hành ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính nhất định.
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong giám sát trưng cầu ý dân. Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Tuy nhiên, thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của QH, Luật tổ chức HĐND và UBND (sắp tới còn được điều chỉnh trong Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả pháp luật về trưng cầu ý dân. Vì vậy, đề nghị không quy định vấn đề giám sát trong Luật trưng cầu ý dân để tránh trùng lặp.
Dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo đó, Phương án 1 gồm UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1.
Dự thảo luật trình 2 phương án về kết quả trưng cầu ý dân. Phương án 1: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành. Phương án 2: Ngoài các điều kiện như phương án 1, phương án này bổ sung quy định đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Theo ông Lý, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với việc quy định tỷ lệ “quá bán kép” để bảo đảm kết quả cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ như Phương án 1.
Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng để bảo đảm tính pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị QH phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân do UBTVQH công bố. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng Hiến pháp đã giao thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân cho UBTVQH nên khi UBTVQH công bố kết quả trưng cầu ý dân tức là đã bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này. Do vậy, QH không cần thiết phải ra nghị quyết xác nhận kết quả trưng cầu ý dân.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, băn khoăn việc thể chế Việt Nam khác biệt so với nhiều nước nên việc tham khảo cũng phải căn cứ vào thực tế này.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị trưng cầu trên toàn quốc nhưng tiến hành theo phạm vi khu vực. Ông Dũng lấy ví dụ như khi xây dựng nhà máy thủy điện ở một vùng, cần phải trưng cầu ý dân.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị cần quy định cụ thể những vấn đề cần trưng cầu ý dân. Bà Trương Thị Mai gợi ý: “Những vấn đề đụng chạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền… cần phải trưng cầu ý dân. Phải có điều kiện chứ quy định chung chung thì không rõ”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cuộc sống có nhiều vấn đề cần trưng cầu ý dân. Trước các quyết sách lớn đều phải lấy ý kiến nhân dân, còn những vấn đề nào cần trưng cầu ý kiến toàn dân thì cần phải làm rõ. Về phạm vi trưng cầu ý dân, ông Ksor Phước đồng ý cần phải trưng cầu ý dân toàn quốc, tuy nhiên, vẫn cần phải trưng cầu dân ý theo vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhìn nhận đây là dự luật quan trọng nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Ông Khoa đề nghị những vấn đề được trưng cầu ý dân “cần phải nghiên cứu kỹ” như không được trái với Hiến pháp, pháp luật. Ông Khoa cho rằng quy định về chủ thể có quyền quyết định mà theo phương án 1 của dự thảo là "kết quả, chỉ cần 1/2 người đi biểu quyết đồng ý" là hơi thấp, đề nghị phải 2/3 đồng ý mới đảm bảo yếu tố pháp lý.
Để tránh có những hành vi tiêu cực trong trưng cầu ý dân, việc quy định những hành vi bị nghiêm cấm là cần thiết trong luật này, cần thiết kế riêng một điều về các hành vi bị nghiêm cấm ngay trong chương những quy định chung nhằm làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này song Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và không quy định vấn đề trên trong dự thảo.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị cần quy định rõ những vấn đề không được trưng cầu ý dân, liên đến ngân sách nhà nước, pháp luật… Đồng tình với ý kiến bà Mai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần có quy định nghiêm cấm đưa ra những vấn đề trưng cầu ý dân trái với Hiến pháp.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo