Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc chế thành công văcxin ngừa bệnh tay chân miệng

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây tuyên bố đã phát triển văcxin đầu tiên để bảo vệ trẻ khỏi virus EV71 gây bệnh tay chân miệng.

(vne) Sản phẩm của Beijing Vigoo Biological được phát triển để sử dụng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương- nơi tập trung nhiều ca bệnh nặng, tử vong do biến chứng viêm não, màng não.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí y học The Lancet gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết văcxin của Beijing Vigoo đạt hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi bệnh tay chân miệng do virus EV71 là 90%. Thử nghiệm được tiến tại tại 4 địa điểm của Trung Quốc, gồm có Giang Tô và Bắc Kinh. Gần 10.300 trẻ ở độ tuổi 6 đến 35 tháng được tiêm thử.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng văcxin này an toàn, dung nạp tốt và chưa phát hiện trường nào bị phản ứng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hiện chưa có bằng chứng cho thấy văcxin này có tác dụng bảo vệ chéo với chủng virus gây bệnh tay chân miệng khác.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1969, EV71 đã gây bệnh tay chân miệng trên khắp thế giới, chủ yếu là trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sự bùng phát của dịch tay chân miệng theo chu kỳ vài năm một lần ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Trong những năm gần đây, các ca mắc tập trung chủ yếu ở châu Á. Trong đó gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singpaore, Thái Lan và Việt Nam.


Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến năm 2013. Bệnh này hiện chiếm tỷ lệ cao thứ 2 trong số 10 bệnh có số mắc cao nhất và tử vong cũng đứng thứ 3 trong 10 bệnh có ca tử vong cao nhất.

Thống kê 5 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 27.000 trẻ mắc tay chân miệng, tử vong 7. EV71 là một chủng virus gây bệnh tay chân miệng nguy hiểm vì dễ biến chứng nặng. Việt Nam cũng đang triển khai việc nghiên cứu và phát triển văcxin EV71.

Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với bé đã mắc bệnh… Cần lưu ý không mớm thức ăn cho trẻ, không cho bé ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Phương Trang

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo