Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động khủng bố

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhìn nhận việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động khủng bố, mang tính "dằn mặt" ngư dân.

Tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt thủy sản gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Nguyễn Đông.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá khiến 10 ngư dân Đà Nẵng gặp nạn ngay trong vùng biển của Việt Nam chiều 26/5?

- Rõ ràng đây là hành động mang tính dằn mặt ngư dân của chúng ta. Trung Quốc mở rộng vùng bảo vệ giàn khoan, tàu cá của ngư dân Việt Nam áp sát nên họ muốn làm tình hình thêm căng thẳng. Đầu tiên là va chạm, sau đó làm mạnh hòng khiến ngư dân ta hoảng sợ.
 
Nhưng chúng ta sẽ không sợ. Chúng ta đã tiên liệu trước hành động này và có đề phòng. Cú đâm mạnh của Trung Quốc khiến tàu chìm nhưng chúng ta đã kịp thời ứng cứu ngư dân.
 
PV: Chúng ta phản ứng ra sao trước hành động này?
 
- Việt Nam sẽ không để yên cho hành động ngang ngược của Trung Quốc và sẽ tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ có biện pháp để hạn chế thấp nhất việc ngư dân bị đâm va, có thể dẫn tới chìm tàu.
 
PV:  Việc yêu cầu đòi bồi thường có được tính đến?
 
- Trước hết, chúng ta sẽ lên án qua con đường ngoại giao. Vì chưa biết tàu của họ có phải là tàu cá hay không nhưng đi bảo vệ giàn khoan và đâm chìm tàu cá của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam thì thấp nhất cũng có thể gọi là khủng bố.
 
Trong các vụ việc tương tự từ trước đến nay chúng ta vẫn yêu cầu bồi thường, nhưng lúc nào họ bồi thường thì chưa rõ.
 
PV: Nếu chúng ta đưa vấn đề này ra quốc tế thì sao?
 
- Theo tôi biết thì chưa có tổ chức trọng tài nào xử việc đụng độ trên biển. Trước mắt mình phản đối việc họ cố tình đâm va và yêu cầu phải bồi thường.
 
- Nhiều đại biểu đề nghị chính sách đóng tàu lớn, tàu vỏ sắt cho ngư dân, việc này được xem xét đến đâu, thưa ông?
 
- Chính sách cho ngư dân thì chúng ta đã có và thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, trong dự toán ngân sách 2014 chưa có mục riêng nào cho việc này.
 
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: Chí Hiếu.
 
PV: Chúng ta luôn nói ngư dân là những cột mốc sống trên biển, vậy Chính phủ, Quốc hội có chính sách nào để đảm bảo quyền lợi cho những người ở tuyến đầu bảo vệ chủ quyền đất nước?
 
- Không chỉ đóng tàu vỏ sắt mà phương tiện đánh bắt, hệ thống thông tin, tổ chức tổ đội, bộ phận hỗ trợ ngư dân đều cần cả. Cùng một lúc, ta chưa thể đáp ứng tàu vỏ sắt hết cho ngư dân. Có tàu mà không tổ chức tốt thì vẫn nguy hiểm, cho nên chúng ta luôn phải duy trì kiểm ngư, cảnh sát biển, có kế hoạch bảo vệ và giúp đỡ ngư dân.
VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo