Trung Quốc đau đầu với vấn nạn ô nhiễm không khí
Thượng Hải tuyên bố sẽ đóng cửa 500 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, độc hại và tốn năng lượng trong thành phố. Trung tâm tài chính này cũng sẽ thực hiện kế hoạch hành động làm giảm ô nhiễm không khí, và chú ý hơn tới việc kiểm soát hạt gây ô nhiễm môi trường PM 2,5.
Ngoài ra, Thị trưởng Yang Xiong cho biết, thành phố sẽ trang bị thêm các thiết bị khử khí nitơ và chống bụi cho các nhà máy điện, đồng thời thúc đẩy việc thay thế các lò luyện và các nồi hơi sử dụng than.
Theo dự thảo của chính quyền Thành phố Bắc Kinh, các công ty, công trường xây dựng, người bán hàng rong và các chủ phương tiện nếu vượt quá giới hạn thải khí quy định sẽ bị phạt tiền và chịu các hình phạt khác.
Cụ thể, các công ty vượt quá giới hạn phát thải khí cho phép sẽ bị phạt tiền từ 10.000 CNH (1.653 USD) tới 100.000 CNH (16.530 USD) và thậm chí phải đóng cửa công ty. Mức phạt áp dụng cho các chủ phương tiện là 3.000 CNH (496 USD).
Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm trong bối cảnh lo ngại về vấn đề suy thoái môi trường và khói bụi độc hại đang tăng lên, làm ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế và sức khỏe của người dân.
Chỉ số ô nhiễm PM 2,5 tại Bắc Kinh cao hơn 25 lần và tại Thượng Hải cao hơn 6 lần tiêu chuẩn an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Các nhà chức trách đã khuyến cáo trẻ em và người già cần tránh tham gia các hoạt động ngoài trời kéo dài nhằm tránh tối đa các bệnh lây lan qua đường hô hấp.
Theo Barbara Finamore - Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, lượng khói bụi tại Trung Quốc không thể giảm xuống nếu vấn đề ô nhiễm do sử dụng than trong công nghiệp tại nước này không được giải quyết.
Finamore cũng cho biết thêm: “Trước đây, Trung Quốc đã thông báo các kế hoạch quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm và tăng cường tính minh bạch. Thách thức hiện nay là đưa các kế hoạch này vào hành động một cách nhanh chóng khi mà người dân đang mất kiên nhẫn và tin tưởng vào chính phủ.”
Hạt trôi nổi là khái niệm phiếm chỉ được dùng để chỉ những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Đối với các nhà khoa học môi trường, các hạt trôi nổi này nhằm chỉ những chất ô nhiễm rất nhỏ trong không khí, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet (PM 2,5) là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi. PM 2,5 có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. Vì vậy, các nhà khoa học dùng chỉ số PM 2,5 để biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt trôi nổi trong một mét khối không khí. Chỉ số này càng cao nghĩa là sự ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo