Trung Quốc không dễ gây hấn kinh tế với Việt Nam
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt về kinh tế đối với Việt Nam. Bởi như vậy, Trung Quốc sẽ tự làm xấu về hình ảnh của mình trong toàn cầu.
Cuộc chơi đa quốc gia
Một góc nhìn khách quan về mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng biển Đông hiện nay đã được nhiều chuyên gia kinh tế phân tích tại Hội thảo mang tên "tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau".
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trường Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung đặt vấn đề, liệu Trung Quốc có gây hấn cấp tập với Việt Nam về kinh tế hay không?.
Tự trả lời câu hỏi, ông đưa ra quan điểm: "Đã có những luồng thông tin không mấy tốt đẹp về tình hình cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không dễ dàng gây hấn với Việt Nam về kinh tế một cách ồ ạt!".
Tin vào điều này, theo ông là có 4 lý do lớn.
Đầu tiên, quan hệ thương mại của Trung Quốc với Việt Nam không chỉ là quan hệ giữa hai nước mà quan hệ đa quốc gia. Bởi 60% hàng hoá linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu mà Trung Quốc xuất sang Việt Nam chính là của các tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam từ chục năm nay.
Điển hình cho câu chuyện này là việc Samsung nhập hơn 20 tỷ USD từ Trung Quốc để làm đầu vào cho cứ điểm sản xuất smartphone toàn cầu ở Việt Nam. Liệu, Trung Quốc có muốn làm gì đó gây tổn hại cho chính đối tác mua hàng của mình lớn như vậy?
Thứ hai, xét về tổng thể lợi ích, vài chục tỷ USD mỗi năm mà Trung Quốc xuất sang Việt Nam nếu so với cả nền kinh tế ở Trung Quốc là nhỏ, nhưng lợi nhuận mang lại từ đây cũng phải vài tỷ USD. Nếu nước này dừng một ngành hàng xuất sang Việt Nam thì cũng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới lợi nhuận mà còn tới hàng trăm ngàn lao động ở nước họ.
Thứ ba, Việt Nam đã gia nhập WTO, đã và đang tham gia nhiều hiệp định cam kết song phương, đa phương như các FTA, ASEAN + Trung Quốc, tới đây là TPP. Nếu Trung Quốc động chạm tới Việt Nam thì sẽ là động chạm lợi ích kinh tế của nhiều bên. Trong đó, có cả Trung Quốc và những cường quốc lớn khác.
Cuối cùng mà TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, nếu Trung Quốc gây hấn về kinh tế với Việt Nam thì hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới sẽ xấu đi và càng khiến thế giới lo ngại. Những lo ngại ấy nếu chuyển thành thiệt hại kinh tế thì sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
TS Thành cũng nhấn mạnh, những khó khăn hiện nay cũng chính là một thời cơ đối với Việt Nam phải sớm đổi mới, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.
Mắt xích tự chủ trong cuộc chơi toàn cầu
Dù có vẻ lạc quan như vậy, nhưng rõ ràng, đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chuyển mình mạnh mẽ hơn để tìm được cách thức tự chủ trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay?
"Chúng ta những lợi thế địa chính trị để tìm kiếm cơ hội phát triển. Thế giới quan tâm Việt Nam cũng chính vì chúng ta ở phía Nam Trung Quốc, độc lập với Trung Quốc và có chủ kiến của ta", TS Lê Đăng Doanh nói.
Các phân tích của các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là nhân tố quan trọng trong thương mại hàng hoá toàn cầu; là một công xưởng của cả thế giới, xứ sở chuyên cung cấp hàng linh kiện trung gian.
Với một mắt xích quan trọng của mạng lưới sản xuất toàn cầu, với một nền kinh tế trỗi dậy lớn thứ 2 của thế giới và là một thị trường đầy hấp dẫn, Việt Nam đương nhiên không thể không chơi với Trung Quốc.
Ông Doanh nhìn nhận, Việt Nam vẫn và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc. Nhưng khi chơi với nước lớn, phải nhìn hai chiều, vừa là thách thức vừa là cơ hội.
Theo ông Doanh, cơ hội ở đây là việc Việt Nam phải chủ động hơn trong cuộc chơi này. Các doanh nghiệp trong nước cần phải tìm ra được những sản phẩm khác biệt để phát triển, biến mình trở thành một mắt xích không thể bỏ qua trong quan hệ giao thương toàn cầu.
"Trong chuỗi giá trị toàn cầu đó, nếu vị thế ta càng quan trọng bao nhiêu thì trong quan hệ kinh tế với các nước cũng sẽ có vị trí tự chủ, độc lập bấy nhiêu", TS Doanh nói.
Ông kể, có 1 DN chỉ sản xuất một loại linh kiện cho Boeing mà không ai thay thế được thì công ty đó dù nhỏ, vẫn rất quan trọng với Boeing. Vì vậy, làm sao ta phải có những sản phẩm không thể thay thế, quan trọng với đối tác, điều này phụ thuộc vào việc ta phải nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong nước.
"Hiện nay, Việt Nam mới có 100 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ, có các phát minh, sáng chế được cấp bằng thì cần phải nhân rộng hơn nữa.", TS Doanh nói.
Theo như TS Võ Trí Thành diễn giải, nhìn dài hạn, Việt Nam cần chơi với ai để chuyển giao được công nghệ, kỹ năng quản lý mới là chủ chốt, để chúng ta vươn lên chứ chưa nên nhìn theo cách, ai được nhiều trong cuộc chơi thì ta ghét bỏ.
Ngay cả trong chiến lược xuất nhập khẩu, Việt Nam cần phải học nhiều từ các nước lớn về năng lực tự chủ. Chẳng hạn, theo kinh nghiệm thế giới, nếu một nước xuất khẩu hay nhập khẩu quá 8% thị trường nước khác thì nước đó có quyền làm giá ở nước xuất khẩu. Ví dụ hiện nay, Đức không bao giờ nhập bất kỳ khí đốt ở nước nào quá 8% nên một quốc gia lớn như Nga cũng sẽ không thể tạo sức ép, làm giá.
"Độc lập trong thế giới không có nghĩa đứng một mình không quan hệ với ai, mà là việc ta phải tự quyết định được để phục vụ cho lợi ích quốc gia", TS Thành đúc kết.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo