Trung Quốc ồ ạt mua gạo Việt Nam
Phóng viên: Thưa ông, dự báo trong năm nay, Việt Nam sẽ bán cho Trung Quốc bao nhiêu tấn gạo?
- Ông Huỳnh Thế Năng: Thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tích cực. Lượng lúa hàng hóa trong nước cần tiêu thụ ở vụ đông xuân khoảng 5 triệu tấn (có 700.000 tấn gạo tồn kho từ năm ngoái đưa sang), trong đó các doanh nghiệp (DN) đã ký được hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo.
Căn cứ diễn biến thị trường thì dự kiến đến cuối quý II/2015, chúng ta sẽ tiêu thụ được 3 triệu tấn gạo. Đáng chú ý là phía Trung Quốc đã cấp quota nhập gạo cho thương nhân trong nước nên tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này đang “nóng” trở lại. Theo tính toán từ các chuyên gia thì mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ 3,5-4 triệu tấn gạo, trong đó có đến 1 triệu tấn “nằm ngoài sổ sách”, tức là qua đường tiểu ngạch.
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo theo chỉ đạo của Chính phủ đang triển khai tác động thế nào đến thị trường trong nước và xuất khẩu, thưa ông?
- Đây là lần thứ 6 triển khai mua tạm trữ lúa gạo với nhiều điểm tích cực. Thứ nhất, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai sớm và bài bản ngay từ đầu vụ. Thứ hai, VFA lần đầu tiên công bố công khai bảng phân bổ chỉ tiêu đến từng DN, tỉnh, thành với tiêu chí rõ ràng. Vì thế, sau hơn 10 ngày triển khai, giá lúa đã tăng khoảng 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.
Giá lúa tăng là tín hiệu mừng nhưng ngoài việc thu mua tạm trữ, còn có 3 yếu tố khác tác động: hoạt động chia hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo đi Malaysia với số lượng 240.000 tấn; Việt Nam mới trúng thầu 300.000 tấn cung cấp cho thị trường Philippines và Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua gạo trở lại.
Có nhiều địa phương phản đối việc phân bổ chỉ tiêu của VFA; sau các ý kiến này, VFA có điều chỉnh việc phân bổ?
- Trước khi công bố dự kiến phân bổ chỉ tiêu, đã có ý kiến “dọa” rằng nếu đưa ra bàn tới bàn lui thì không phân bổ được đâu! Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không sợ điều đó vì nếu làm nghiêm túc, tiêu chí rõ ràng thì không việc gì phải sợ. Các địa phương thắc mắc nhiều nhất là tại sao có tỉnh diện tích trồng lúa lớn, sản lượng nhiều nhưng chỉ được phân chia tạm trữ ít. Tôi khẳng định việc phân bố chỉ tiêu dựa theo 4 tiêu chí: DN có đăng ký, thành tích mua năm ngoái, có đầu ra và có tham gia liên kết cánh đồng lớn.
Có tỉnh gửi công văn cho VFA yêu cầu phân bổ chỉ tiêu cho một DN nhưng khi chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện trước đó dù VFA đã nhiều lần liên hệ nhưng DN không đăng ký tham gia thì làm sao giao chỉ tiêu được.
Một điểm mới của đợt thu mua tạm trữ lần này là Bộ NN-PTNT có quy chế kiểm tra, kiểm soát. Trong tháng 3 sẽ có 2 đợt kiểm tra vào ngày 15 và 30, nếu DN nào không thực hiện đúng sẽ bị rút chỉ tiêu.
Nhiều nông dân trồng lúa cho rằng họ không được lợi gì từ chương trình tạm trữ mà chủ yếu là DN vì được nhà nước hỗ trợ vay vốn lãi suất 0%?
- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã nói mua tạm trữ chỉ là giải pháp điều tiết thị trường, giữ ổn định giá lúa chứ không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Sản lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL là 4,3 triệu tấn quy gạo, trong khi chương trình tạm trữ chỉ có 1 triệu tấn thì không thể nào chia đều, không phải ai muốn tham gia tạm trữ là được chia chỉ tiêu.
Vì thế, việc điều tiết không phải là mua hết hay mua 50% lúa hàng hóa mà vấn đề là mua rồi bán cho ai. Hơn nữa, các DN được vay vốn ưu đãi trong quá trình thực hiện mua tạm trữ đều được giám sát chặt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng