Trúng thầu bán gạo giá thấp, nông dân thiếu trước hụt sau...
Bán tháo với giá rẻ?
Giá trúng thầu bình quân của Việt Nam trong phiên đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines vào ngày 15/4 là gần 439 USD/tấn (giá CIF giao tại kho Philippines).
Tuy nhiên, so với các đối thủ cùng tham gia trong cuộc đua giành quyền cung cấp gạo cho Philippines, giá gạo của Việt Nam chào thấp hơn các đối thủ đến khoảng 30 USD/tấn, chẳng hạn, Campuchia chào giá 469 USD/tấn, Thái Lan là 474 USD/tấn…
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam cho biết có thể do có thông tin nhận định Thái Lan muốn bán tháo gạo, nên phía Việt Nam đã đưa ra mức 439 USD/tấn để trúng thầu.
Theo ông Bích, dù cho chính phủ Thái có chấp nhận bán gạo cho thương nhân của họ với giá thấp để có tiền trả nợ nông dân thì các thương nhân cũng phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí, từ việc vận chuyển mang về kho, bốc vác, tháo bao ra, đánh bóng rồi đóng bao trở lại…mới có thể xuất khẩu được.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), thì nhận định năng lực của những người tham gia đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines lần này còn hạn chế. Ông Tuấn cho rằng việc bị "hớ" giá hơn 30 USD/tấn là không chấp nhận được.
Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn tham gia đấu thầu lại không đồng tình với nhận định này. “Đã đưa ra giá đấu thầu thì phải làm sao cho trúng thầu và đó phải là một mức giá mà doanh nghiệp có lãi”, vị này nói.
Trước đó, sau thông tin Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, ông Nguyễn Hùng Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã từ chối tiết lộ giá trúng thầu mà chỉ cho biết theo giá thị trường.
Nông dân thiệt đơn thiệt kép
Mặc dù có quan điểm trái chiều liên quan đến giá thầu Việt Nam đưa ra ở mức thấp để được trúng thầu trong đó thành viên trong đoàn tham gia đấu thầu đặt mục tiêu đầu tiên phải trúng thầu, cùng với việc doanh nghiệp phải có lãi trong khi phía doanh nghiệp lại không chấp nhận việc bị "hớ" vì đưa ra giá thầu quá thấp.
Song, người cuối cùng chịu trận vẫn sẽ là nông dân, khi áp lực về việc phải trúng thầu đặt ra khiến giá lúa gạo đầu thầu ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua của thương lái từ người nông dân và người dân sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Cụ thể, thời gian vừa qua, mặc dù chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuâ 2013-2014 của Chính phủ được thực hiện nhưng trái với dự đoán của nhiều người đưa ra trước đó, giá lúa gạo lại tiếp tục đà giảm sau khi tăng trong vài ba ngày đầu.
TS Nguyễn Ngọc Kính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội giống cây trồng Việt Nam từng cho biết, việc hạ giá thấp người nông dân sẽ thiệt đơn thiệt kép, lý do vì vật tư đầu vào của ngành đang bị phụ thuộc nước ngoài quá nhiều.
“Trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, hiện tại chỉ thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân do doanh nghiệp xuất khẩu chưa gắn kết chặt chẽ với nông dân thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Doanh nghiệp không muốn tái đầu tư cho nông dân mà chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác như vật tư nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Cứ như thế thì làm sao có thể cạnh tranh?”, TS Kính bức xúc.
Trước đây, mặc dù giá lúa gạo đã giảm nhưng chắc chắn không ở mức thấp như thời điểm hiện tại tình trạng bỏ ruộng đã diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí nông dân còn làm phép so sánh một sào lúa khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000 -80.000 đồng, tương đương với 2 bát phở ở thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết