Trung tướng Nguyễn Ân: Chiến thắng cuối cùng là thuộc về nhân dân, Đảng và Bác Hồ
Thời khắc ghi vào lịch sử dân tộc
Khi được hỏi, giải phóng Sài Gòn, điều gì khiến ông xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc nhất? Trung tướng Nguyễn Ân chia sẻ, cho đến tận bây giờ, ông vẫn không quên được cảnh đường phố Sài Gòn hôm đó, nhân dân đứng chật hai bên đường, chỉ chừa đủ lối cho xe đi, rất nhiều người mang cờ đỏ sao vàng ra đón đoàn. “Khi đó, tôi đi trên một chiếc xe jeep chiến lợi phẩm của địch, qua cầu Thị Nghè, cầu Sài Gòn, dẫn đầu đoàn quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong rừng cờ hoa hân hoan của người dân. Xe phải đi chậm, vừa đi, tôi vừa phải nhắc anh em ngăn không cho cánh nhà báo nước ngoài trèo lên xe tăng quay phim, chụp ảnh. Nhưng, họ hiểu được tiếng Việt và nói muốn được ghi lại hình ảnh lịch sử này để chung vui cùng dân tộc. Hạnh phúc vỡ òa khi đi trong biển người cùng với những tiếng hô vang: Hòa bình thật rồi! Hoan hô Quân Giải phóng”.
Trên khuôn mặt rạng rỡ chiến công, nhớ lại thời khắc hào hùng đó, Trung tướng Nguyễn Ân bồi hồi kể lại: “Khi xe chở tôi vừa vào tới sân Dinh Độc Lập cũng là lúc Tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2, phụ trách cánh quân phía đông Sài Gòn - cũng vào đến nơi. Chúng tôi - hai người chỉ huy cao nhất của cánh quân quan trọng - đứng trên sân Dinh Độc Lập xúc động, lặng lẽ đi từng phòng tìm Tổng thống Dương Văn Minh. Qua phòng nội các, thấy súng lục, bút giấy của giới chóp bu ngụy còn bày ngổn ngang, chúng tôi đã rất ý thức việc lưu giữ những đồ dùng tưởng như “vô tri, vô giác” này để có ngày đưa vào bảo tàng gìn giữ như những chứng tích lịch sử cho thế hệ sau.
Khi đó, nhìn chiếc ghế tổng thống ngụy quyền hoa lệ và rỗng tuếch, tôi níu tay Tướng An đùa, tớ ngồi ghế Tổng thống còn cậu ngồi ghế phó xem thế nào… Tướng An lúc này cũng cao hứng xoa tay phụ họa cùng người đồng chí của mình: “Thôi anh ạ, tôi và anh mà ngồi đây chắc chỉ được một ngày” - Trung tướng Nguyễn Ân vui vẻ kể lại.
Vẫn trong mạch cảm xúc dâng trào về thời khắc lịch sử của 40 năm trước, Trung tướng Nguyễn Ân kể như không muốn dứt: “Khi chúng tôi đi đến cuối tầng 2, một người tự xưng là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá cho Dương Văn Minh - tới gặp và nói rằng toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc. Viên tướng ngụy dẫn đường đi khoảng hơn 10m, đến một cửa phòng lớn, có khoảng 40 người đang ngồi trên ghế. Hướng tay về phía một người đàn ông cao lớn, da đen, ông Hạnh giới thiệu đây là Tổng thống Dương Văn Minh.
Ông Hạnh lại chỉ tay về phía một người thấp lùn, giới thiệu là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đến lúc này, Tướng Ân và mọi người mới biết mặt mũi của người đứng đầu chính quyền Sài Gòn. Vừa gặp mặt, Dương Văn Minh đã chủ động: “Chúng tôi đã biết Quân Giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ vào để bàn giao”. Ngay lập tức, tôi đáp lại: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. Sau đó, Trung đoàn phó trung đoàn 66 (Sư doàn 304) Phạm Xuân Thệ cùng vài anh em khác được lệnh đưa Dương Văn Minh ra xe jeep đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Sài Gòn hoa lệ của ngụy quyền và tay sai đã hoàn toàn được giải phóng từ đó. Trung tướng Nguyễn Ân lại tiếp tục được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tập hợp thông tin và dữ liệu ấn định giờ phút giải phóng để nhanh chóng báo tin vui cho miền Bắc. Sáng 30.4, Sài Gòn cơ bản đã được giải phóng, tiếng súng cũng đã ngừng, nhiều mũi tiến công của ta đã thọc sâu, làm chủ các vị trí quan trọng. Trong đó, Sư đoàn 304 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập. Đắn đo với nhiều thông tin, sau khi họp nhanh với các mũi tiến công, Tướng Ân quyết định lấy thời khắc 11 giờ 30, ngày 30.4.1975 là lúc lá cờ ba sọc của ngụy trên nóc toà nhà Dinh Độc Lập bị hạ xuống, thay vào đó là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam của ta tung bay phấp phới. Thời khắc quan trọng này đã mãi ghi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Niềm vui trong ký ức vị tướng già
Trung tướng Nguyễn Ân nhớ lại, vào lúc 7 giờ 30 tối 30.4.1975, sau khi làm nhiệm vụ bàn giao Dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4 tiếp quản, ông mới tạm ngơi nghỉ. Những trận đánh giải phóng Đà Nẵng, Nha Trang, đánh căn cứ Nước Trong, Biên Hòa do Tướng Ân chỉ huy sau này đã được sử sách ghi lại như một minh chứng hùng hồn cho tài đức chỉ huy của một vị nhân tướng còn vọng mãi với lời ghi nhận chắc thắng của người Anh Cả quân đội ta: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”. Đêm 30.4 năm ấy, Sài Gòn trở nên yên bình, không còn tiếng súng. Tướng Ân sau bao đêm trận mạc, giờ mới có được giấc ngủ ngon lành. Ông kể lại: “Gần trưa hôm sau tôi bị đánh thức bởi những tiếng hô lớn: Hòa bình rồi! 30.4 muôn năm! 1.5 muôn năm… Cảm giác đó hạnh phúc trào dâng cứ sống mãi trong tôi cho đến tận hôm nay”.
Lúc sắp bước sang tuổi 50, Tướng Ân mới có chút thời gian ở bên gia đình khi được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ công tác tại Học viện Lục quân. Người vợ tần tảo của ông - bà Trần Tâm Yến - nhìn chồng trìu mến kể những câu chuyện đời thường giản dị. Hồi đó, cuộc sống trong khu tập thể của lính còn nghèo, nhìn chồng cần mẫn, không quản vất vả tự tay đóng chuồng nuôi lợn, gà, tăng gia cải thiện gia đình, tôi cứ áy náy. Nhưng được ông động viên, tôi yên tâm hơn nuôi dạy các con. Ngày ấy, trong khu tập thể quân đội, ít ai ngờ một vị tướng trận lẫy lừng, từng là Sư trưởng Sư 304 và Phó Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở nước bạn trở về vẫn tự tay làm việc nhà, từ băm bèo, thái rau, mua cám, mua củi… đến cho lợn ăn ông đều làm được cả. Rồi mua cả trứng ấp về bán gà con cho bà con xung quanh ngoại thành lấy về nuôi. Tướng Ân tự mình làm hết những việc nội trợ, chẳng nề hà gì. Thấy vợ và cấp dưới áy náy, ông chỉ xuề xòa một câu trấn an: Lính mà! Đến nay, ông vẫn giữ tác phong gần gũi, chân tình mỗi khi xuất hiện trước công chúng và trong đời thường với bà con chòm xóm.
Dù đã ở tuổi 89, nhưng Trung tướng Nguyễn Ân còn mẫn tiệp lạ thường. Ông thừa nhận, thời gian đã đè nặng lên đôi vai, khiến chân đã chùn, đi lại phải chống batoong, nhưng trí nhớ và óc phân tích, phán đoán của người tướng trận vẫn chính xác đến từng chi tiết. Là người chỉ huy cao nhất có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng thời điểm lịch sử 30.4.1975, nên mỗi khi đâu đó “dậy sóng” những cuộc tranh luận về vai trò lịch sử của mỗi cá nhân trong thời khắc quan trọng đó, ông đều nói lên chính kiến của bản thân, dẹp tan những luồng dư luận để khẳng định sự thật. Ông chia sẻ: “17 tuổi tôi theo Đảng, theo Bác Hồ, được giao chỉ huy cấp trung đội tham gia chiến dịch giải phóng biên giới (năm 1950), rồi chỉ huy một sư đoàn, đánh những trận quan trọng, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng lúc nào cũng tâm niệm, chiến thắng cuối cùng là thuộc về nhân dân, thuộc về Đảng, về Bác Hồ. Ngay trong trận đánh cuối cùng ngày 30.4, tất cả chúng tôi đều bồi hồi nhớ Bác”.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những đau thương, mất mát, khó khăn, gian khổ và cả niềm vui chiến thắng vẫn đọng lại trong ký ức của ông. Trung tướng Nguyễn Ân chia sẻ rằng, chiến thắng không chỉ là giải phóng đất nước, thu non sông về một mối, mà còn rửa nỗi đau 100 năm mất nước dưới ách đế quốc sài lang.
“Đến nay, tôi thấy vững tâm hơn khi biết thế hệ trẻ vẫn còn đó một niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… “ - vị tướng già chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất