Tin tức - Sự kiện

Trung ương “ấn”, Thành phố Hồ Chí Minh “xoay”

Dự báo kinh tế năm 2013 tiếp tục khó khăn, làm sao có thể thu được ngân sách tăng hơn 20% so với ước thực hiện năm 2012 mà trung ương giao cho Thành phố Hồ Chí Minh?

Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại phiên thảo luận sáng 5-12. Băn khoăn này càng có cơ sở khi năm 2012 thành phố thu không đạt chỉ tiêu đã giao, còn thiếu trên 17.000 tỉ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh bị “ấn” chỉ tiêu

Đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi: chỉ tiêu thu nội địa của năm 2013 tăng lên là dựa trên cơ sở nào trong khi năm nay thu không đạt? Thu từ xuất nhập khẩu cũng giao chỉ tiêu tăng lên nhưng thu năm 2012 bị giảm đến 10.000 tỉ đồng?

Tương tự, đại biểu Huỳnh Công Hùng thắc mắc chỉ tiêu thu năm 2013 vẫn cao, nếu thu không đủ thì tình hình chi đầu tư phát triển sẽ gặp khó, lại phải tiếp tục đi vay và phát hành trái phiếu. “Nếu không có cơ chế mới thì hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục đầu tư ăn đong” - ông Hùng nói.

Chiều 5-12, Hội đồng nhân dân thành phố bầu bổ sung ông Tất Thành Cang - giám đốc Sở GTVT - làm ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố với tỉ lệ 81,9% số phiếu.
Giải trình những câu hỏi nóng bỏng nói trên, đại biểu Đào Thị Hương Lan - giám đốc Sở Tài chính thành phố - cho biết việc giao dự toán thu ngân sách  đều do Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Theo bà Lan, nói một cách dân dã là trung ương “ấn” cho thành phố và không có quyền có ý kiến gì về mức thu hết. Thành phố cũng không chủ động được chỉ tiêu thu này.

Bà Lan đơn cử năm 2012 mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng Bộ Tài chính vẫn giao thành phố thu tăng đến hơn 33% so với ước thực hiện năm 2011.

Bà Lan cho biết năm 2013 trung ương vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu thu ngân sách theo hướng tăng. Cụ thể, năm 2013 Thành phố Hồ Chí Minh phải xoay xở thu nội địa đạt hơn 134.000 tỉ đồng (tăng 20% so với ước thực hiện năm 2012) và thu từ xuất nhập khẩu đạt hơn 80.000 tỉ đồng (tăng hơn 14%).

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm về khả năng và giải pháp thu ngân sách năm 2013, cục trưởng Cục Thuế thành phố Nguyễn Đình Tấn nói chỉ tiêu thu trên 134.000 tỉ đồng là khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của ông Tấn là cần nuôi dưỡng các nguồn thu.

Ông đề xuất tiếp tục xem xét giảm, giãn thuế. Cụ thể là tiếp tục đề xuất giảm thuế cho các hộ kinh doanh nhà trọ. Lâu dài hơn, thành phố cần kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để giúp doanh nghiệp tích lũy. Ngoài ra cần kiến nghị Chính phủ cho phân kỳ nộp thuế đối với những doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn...

Tụt hậu khoa học và công nghệ

Giải trình các ý kiến đề nghị đầu tư thỏa đáng và đảm bảo hiệu quả nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ thành phố Phan Minh Tân nhìn nhận năng lực quản lý chưa được cải thiện, kiểm tra chưa chặt chẽ nên tỉ lệ đề tài trễ hạn còn nhiều. Lĩnh vực khoa học xã hội còn trầm lắng...

"Khi trung ương giao cho TP thì chỉ có việc phải chấp hành và tìm các biện pháp làm sao cố gắng thực hiện được chỉ tiêu đó trong phạm vi khả năng cố gắng hết sức có thể. Nhưng chúng tôi đã nhận định thu ngân sách năm 2013 sẽ hết sức khó khăn" (Đại biểu Đào Thị Hương Lan  giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh)

“Nguy cơ tụt hậu về khoa học và công nghệ là rất rõ. Xin nói thẳng là hiện nay chúng ta thiếu người nghiên cứu, chứ không phải thiếu vấn đề để nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp còn rất thiếu, người chuyên tâm làm khoa học rất ít” - ông Tân nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, nếu đặt vấn đề hiện nay thiếu người làm nghiên cứu khoa học liệu có hợp lý với thực tế của thành phố hay không? Theo bà, đội ngũ trí thức, khoa học ở thành phố rất lớn. Cần có lý giải đánh giá này như thế nào? “Chúng ta thiếu người làm khoa học hay thiếu cơ chế khuyến khích? Thiếu cơ chế để sản phẩm nghiên cứu có đầu ra, đi vào thực tiễn?” - bà Tâm đặt câu hỏi.

Trả lời, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Mạnh Hà khẳng định: “Vấn đề không phải chi bao nhiêu tiền, mà vấn đề là những khoản chi đó có hiệu quả hay không”.

Theo ông Hà, một trong những giải pháp là đẩy mạnh cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay thành phố đặt hàng nghiên cứu mô hình giải quyết bài toán giao thông hay bài toán ngập lụt ở thành phố. “Tôi có nói là nếu làm đạt kết quả đặt hàng này, có thể phải chi hàng tỉ USD thì vẫn chấp nhận, vì đây là bài toán cực khó đối với thành phố lớn” - ông Hà nhấn mạnh.

Thông qua nhiều tờ trình quan trọng

Trong phần làm việc buổi chiều, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua các tờ trình: nghị quyết về bảng giá các loại đất năm 2013, tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2013, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản ba năm 2013-2015 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố, phân cấp quản lý thu và tỉ lệ phân chia các khoản thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế bảo vệ môi trường, chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2013...

Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã lấy ý kiến của đại biểu về đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố trong điều kiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận - huyện, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án này sẽ được thảo luận thông qua vào kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2013.



Hồng Lĩnh (Theo Tuổi trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo