Các kênh truyền hình Nga đã đưa ra gần như tất cả mọi nguyên nhân có thể dẫn tới việc chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraine, gần biên giới với Nga hôm 17/7. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho biết, các bản tin này lại không hề đề cập tới giả thiết đang được phương Tây đặt ra là máy bay đã bị bắn hạ bởi phe nổi dậy thân Nga ở Ukraine, bằng một tên lửa do Nga sản xuất.
Chỉ vài giờ sau vụ máy bay rơi, kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya 1 phỏng đoán rằng, phi công lái máy bay chiến đấu của Chính phủ Ukraine đã bắn hạ MH17 vì nhầm chiếc máy bay có sọc đỏ-trắng-xanh nước biển này là chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin trên đường về nước từ Brazil. Tuy nhiên, kênh truyền hình này không đề cập tới việc ông Putin đã dừng việc bay trên không phận Ukraine kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Channel One, kênh truyền hình được theo dõi nhiều nhất ở Nga, thì cho rằng, quân nổi dậy thực ra có bắn hạ một máy bay, nhưng không phải là MH17, mà là một máy bay chiến đấu của lực lượng Chính phủ Ukraine. Thậm chí, bản tin của Channel One còn nói, chính chiến đấu cơ Ukraine bị quân nổi dậy bắn là “tác giả” bắn hạ máy bay của Malaysia Airlines. Kênh này dẫn lời một người phụ nữ chỉ được nêu tên là Tatiana nói đã nhìn thấy hai chiếc máy bay ở cùng khu vực vào cùng một thời điểm.
Cùng với đó, giới chức Nga đồng loạt lên tiếng đổ lỗi cho phía Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin cáo buộc, việc cơ quan quản lý hàng không Ukraine cho phép chuyến bay MH17 từ Amsterdam đi Kuala Lumpur bay qua một vùng chiến sự là “sự cẩu thả mang tính chất của tội ác”. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Naryshkin không hề đề cập đến việc ai có thể đã phóng quả tên lửa vào chiếc Boeing 777.
Sau khi lên cầm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa mọi kênh truyền hình lớn của nước này về dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Tuy vậy, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng mạnh lên mức 86%, gần mức cao kỷ lục, nhờ kỳ Olympic mùa đông thành công ở Sochi hồi đầu năm nay và vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo ông Lev Gudkov, Giám đốc tổ chức thăm dò dư luận độc lập Levada Center ở Moscow, truyền hình nhà nước là tiếng nói có thẩm quyền đối với hầu hết người Nga sống xa các thành phố lớn, cho phép điện Kremlin sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine như một cách để tăng sự ủng hộ dành cho ông Putin.
“Người dân không thể kiểm tra xem ai bắn hạ máy bay như kiểm tra giá thực phẩm. Chiến lược được kiểm soát bởi các nhà kỹ thuật chính trị của Kremlin rất hiệu quả. Ngay cả Olympic Sochi cũng không thể làm lợi cho tỷ lệ ủng hộ ông Putin như cuộc xung đột ở Ukraine. Lần gần đây nhất tỷ lệ ủng hộ ông Putin cao tương tự như hiện nay là trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh ở Georgia vào năm 2008”, ông Gudkov nói.
Tờ Press Gazette của Anh cho biết, đối với cô Sara Firth, một phóng viên thường trú tại London làm việc kênh truyền hình tiếng Anh Russia Today của Nga, chỉ đạo của Chính phủ Nga về cách đưa tin thảm họa MH17 khiến cô không thể chịu nổi. Tờ báo này dẫn lời Firth nói, cô đã nghỉ việc.
Phát biểu trước các bộ trưởng trong nội các Nga ngày 17/7, ông Putin nói rằng, Chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay Malaysia khiến 298 người thiệt mạng, vì nếu không có chiến sự ở miền Đông Ukraine thì máy bay đã không rơi. Ông Putin cũng yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan của Nga làm tất cả mọi việc để “điều tra tội ác này”.
Trong khi đó, lực lượng an ninh nhà nước Ukraine nói đã nghe lén được các cuộc điện đàm giữa các phần tử có vũ trang ở miền Đông Ukraine về quả tên lửa bắn hạ MH17. Phe nổi dậy phủ nhận cáo buộc này.
Theo giới chức tình báo Mỹ, những bằng chứng hiện có cho thấy, chiếc máy bay bị bắn hạ bởi một quả tên lửa Buk. Đây là loại tên lửa được triển khai rộng rãi ở khu vực Đông Âu.
Từ khi xảy ra vụ rơi MH17, truyền hình Nga liên tục nhắc đến vụ quân đội Ukraine bắn hạ một máy bay chở khách của Nga vào năm 2001. Tháng 10 năm đó, chiếc Tupolev 154 của hãng hàng không Sibir bay từ Tel Aviv, Israel tới thành phố Novosibirsk ở vùng Siberia đã nổ tung trên biển đen. Ban đầu, Ukraine phủ nhận trách nhiệm trong vụ này, nhưng sau đó Kiev thừa nhận rằng, một tên lửa đi lạc của Ukraine đã gây ra vụ rơi máy bay.
“Rất khó để tin những gì họ nói trên TV bởi không có dữ liệu xác thực nào. Thật đáng buồn khi những thông tin chưa được kiểm chứng vẫn đang được phát trên truyền hình nhà nước. Có thể đây là một chiến dịch tuyên truyền. Phải chờ mới biết được đâu là sự thật”, anh Mikhail Voronkov, 32 tuổi, một nhà quản trị hệ thống ở Moscow, nhận xét.
VnEconomy