Thị trường

Truyền hình trả tiền: Phải trung thực, không xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng

(DNVN) Dịch vụ Truyền hình trả tiền (THTT) mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua và theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì đây là kênh đầu tư còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

 Đây là nhận định chung của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tại Hội thảo “Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền” do Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam tổ chức.

Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực THTT Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Theo tôi chất lượng các kênh truyền hình cung cấp cho người tiêu dùng phải đúng và đủ như công bố. Không thể công bố phát 10 kênh HD, nhưng lại chỉ phát có 3, 4 kênh HD mà vẫn thu đủ tiền thuê bao hàng tháng, như trong khiếu nại của anh Thành (Tây Hồ, Hà Nội) với Đài truyền hình VTC. Không thể bán đầu thu cho NTD để thu các kênh do đài mình phát, nhưng vì những lý do hành chính, đột ngột dừng tín hiệu, không một lời giải thích. Sau hai năm phát lại, đầu thu liệu có còn đảm bảo chất lượng? Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị bỏ qua, không được bù đắp”.

Theo ông Tuấn, hàng hóa – thông tin cung cấp cho NTD phải trung thực, đầy đủ, chính xác, an toàn và không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Để có thể thực hiện các nội dung quảng cáo và bán hàng trên truyền hình, các doanh nghiệp TH đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện để truyền dẫn các nội dung quảng cáo từ doanh nghiệp đưa tin quảng cáo tới NTD. Trong một số trường hợp, bản thân các doanh nghiệp TH cũng trực tiếp tham gia là đơn vị bán hàng, tức là vừa tổ chức sóng truyền hình vừa tổ chức bán hàng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2/11 đã có quy định rõ ràng và cụ thể.

Truyền hình trả tiền phải trung thực

Ảnh minh họa

Như vậy với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, doanh nghiệp TH phải chịu trách nhiệm về hàng hóa – thông tin mà họ cung cấp cho NTD sao cho thông tin phải trung thực, đầy đủ, chính xác, an toàn và không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Là một nhà cung cấp dịch vụ, ông Lê Đình Cường – Phó CT, Tổng Thư ký Hiệp hội THTT Việt Nam, cho biết: “Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Truyền hình Cáp hữu tuyến ở nước ta đều đã dùng hệ thống truyền dẫn công nghệ số HD-SD; số lượng kênh chương trình trong nước và nước ngoài ở mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không còn có khác biệt lớn (trên 80% các gói kênh chương trình có trên hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ giống nhau. Đó là một thực tế đáng mừng và thực sự hữu ích, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng”.

Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ THTT ở Việt Nam, hiện nay chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực chăm sóc khách hàng trong đó việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng mạng và và công nghệ truyền dẫn chất lượng tín hiệu đến khách hàng giữ vai trò quan trọng nhất.

Nói về việc quản lý chất lượng THTT, đại diện Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu: “Trước đây, lĩnh vực THTT được áp dụng cơ chế quản lý báo chí, chủ yếu quản lý về nội dung thông tin, vì vậy thiếu những quy định cụ thể về thị trường, hạ tầng, công nghệ kỹ thuật và dịch vụ. Đây chính là lý do trong hơn 10 năm qua, mặc dù THTT phát triển vượt bậc, từng bước đi vào đời sống xã hội nhưng vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó.

Theo số liệu ghi nhận, đến cuối 2012, cả nước vẫn chỉ có hơn 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số xấp xỉ 22 triệu hộ gia đình. Như vậy nhu cầu cấp bách cần phải áp dụng cơ chế quản lý mới để mở ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển của thị trường THTT và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của ngời tiêu dùng”.

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo