TS. Cao Sỹ Kiêm: 91.000 tỷ nợ công: Địa phương lách luật, doanh nghiệp làm liều
"Cơ quan Nhà nước tại các địa phương đã tung ra kế hoạch không chuẩn xác, không có cơ sở, không theo lộ trình. Từ đó đã dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp chạy theo tranh giành dự án, còn ngân hàng thì tin tưởng cho vay. Tiền của doanh nghiệp bỏ ra xây dựng là thật, nhưng chi ra một núi lại không thu hồi được nên chính Nhà nước đã làm cho doanh nghiệp phá sản..." - TS. Cao Sỹ Kiêm nhận xét.
Địa phương luồn lách, DN liều mạng...
PV: - Bộ Tài chính vừa công bố con số nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản trên 63 địa phương đến hết năm 2011 là 91.273 tỉ đồng. Đặc biệt có 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư XDCB ở mức trên 100% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Cùng với số liệu này là con số các doanh nghiệp phá sản, biến mất trên thị trường ngày càng tăng. Điều gì đang xảy ra với dòng tài chính huyết mạch của nền kinh tế vậy, thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Hiện trạng này đã xảy ra từ nhiều năm gần đây. Các ủy ban địa phương khi làm kế hoạch năm chưa hề có vốn mà mới chỉ dự định làm cái này, cái kia. Nhưng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mới nghe nói, mới thấy ghi trong kế hoạch, hoặc dự kiến ghi kế hoạch là đã vội vàng tiếp cận ngay.
Vào thời điểm đó, các dự án này chưa được cấp chỉ tiêu tài chính, chưa được duyệt tài chính, vì mới gọi là dự kiến thôi, tạm ghi thôi, nhưng vì các nhà đầu tư muốn có việc làm, muốn tranh được dự án nên đã căn cứ vào đó mà vay tiền ngân hàng. Sau đó thì cứ thế bỏ tiền ra mà làm với dự tính khi nào có tiền cấp thì mang trả nợ.
Nhưng nếu việc này được làm một cách chặt chẽ và kế hoạch đó sau này được phê duyệt, trở thành hiện thực thì cũng có thể thanh toán được. Nhưng vì những công trình này mới chỉ là dự kiến, cộng với nền kinh tế đang khó khăn, ngân sách Trung ương eo hẹp, khả năng chi không nhiều nên những kế hoạch này không được phê duyệt thực hiện, hoặc vì một số lý do mà các dự án không được thực thi tiếp.
Doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng để làm rồi thì đến lúc này ngân sách Nhà nước lại không cấp và ngân hàng thì nợ đọng, nợ xấu không thu hồi được, doanh nghiệp không có khả năng trả vì không có tiền.
Những cái này sẽ tích tụ lại và cách làm của nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp vì muốn chiếm chỗ, muốn có công trình nên cứ phác ra là làm luôn đã gây ra hậu quả làm cho dòng vốn không đi vào sản xuất kinh doanh hoặc không hiệu quả, lãng phí, hoặc không cân đối được dòng vốn, khiến doanh nghiệp phá sản, tạo ra nợ xấu cho ngân hàng.
Chính vì lẽ đó đã làm cho doanh nghiệp bị phá sản. Đáng lẽ doanh nghiệp vay tiền để làm, sau đó được trả thì không vấn đề gì. Nhưng Nhà nước lại cắt dự án này đi, thì nhiều doanh nghiệp sẽ dẫn đến nợ đọng và phá sản.
PV: - Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đua nhau bỏ tiền túi ra làm dự án dù dự án đó chưa được phê duyệt, chưa được cấp kinh phí?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi một số lý do. Trước hết là khâu quy hoạch kế hoạch của ta không nghiêm túc, không rõ ràng.
Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan địa phương để xảy ra tình trạng này. Tức là cơ quan địa phương muốn lợi dụng sơ hở, muốn lách để vượt lên, cục bộ địa phương. Thứ ba là sự làm ăn tùy tiện của các doanh nghiệp.
Tại sao người ta mới chỉ ghi kế hoạch, mới dự kiến thôi mà các doanh nghiệp đã vội vã lao vào? Đáng lẽ doanh nghiệp phải làm đầy đủ các thủ tục, xin được vốn thì mới khởi công xây dựng, nhưng đây thì cứ lao vào cướp dự án, thậm chí khi đã cướp được dự án thì trở thành đầu mối đi gia công cho những đơn vị khác, thành một dây chuyền.
Thứ tư là hệ thống ngân hàng. Đáng lẽ những hồ sơ cho vay là phải kiểm duyệt, xem đã được cấp duyệt chưa, có kinh phí không thì mới được cho vay. Nhưng ngân hàng cũng muốn mở rộng việc cho vay, muốn cho vay càng nhiều để lấy lãi, muốn chớp khách hàng để tranh thủ với nhau, thậm chí có những yếu tố cá nhân ở đây nữa nên cho vay rất dễ dàng.
Đây chính là 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, rất bất lợi cho nền kinh tế, thiệt thòi cho chúng ta.
Và trong 4 nguyên nhân đó, cái lỗi bắt nguồn là từ đơn vị cấp kế hoạch và tung kế hoạch đó ra không chuẩn xác, không có cơ sở, không theo lộ trình. Từ đó đã dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp chạy theo tranh giành dự án, còn ngân hàng thì tin tưởng cho vay.
Cái này hoàn toàn là do Nhà nước làm cho doanh nghiệp khó khăn. Vì doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch của địa phương để làm, bỏ tiền của thực sự ra để làm, để chi trả cho công nhân, để đút lót... Chi ra một núi tiền rồi nhưng không thu hồi lại được thì chính Nhà nước đã làm cho doanh nghiệp phá sản.
Địa phương phải có trách nhiệm với doanh nghiệp
PV: Theo tính toán của Bộ tài chính, nợ công của Việt Nam hiện khoảng 55,4%, và tính toán của một số chuyên gia thì con số này có thể là 95-106% GDP. Ông có thể cho biết con số 91.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản vừa được công bố, đóng góp thế nào vào cơ cấu nợ công?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - 91.000 tỷ này theo tôi là đã được tính vào nợ công của mình.
91.000 tỷ này so với nợ công của chúng ta thì không phải nhiều. Nhưng nó nguy hiểm ở chỗ nó không có khả năng thanh khoản mà nó lại rơi đúng vào các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Mà đơn vị sản xuất kinh doanh thì khả năng vốn tự có ít, phải đi vay tiền ngân hàng để làm. Đấy là cái rất nguy hiểm, doanh nghiệp sẽ bị thua thiệt.
PV:- Có chuyên gia đã cho rằng, con số nợ đọng 91.000 tỉ đồng này chưa phản ánh đúng sự thật. Ông bình luận gì về nhận xét này? Quan điểm của ông về hiệu quả đầu tư công hiện nay như thế nào?
TS. Cao Sỹ Kiêm: -Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Việc đầu tư công là nước nào cũng phải có. Đây không phải là kinh doanh, và cũng không thể giao cho xã hội làm được nên Nhà nước phải đầu tư.
Ví dụ như làm đường sá, cầu cống, bệnh viện, sách giáo khoa... những công trình phúc lợi thì Nhà nước phải đầu tư. Mà đầu tư thì phải có kinh phí. Còn nếu không có kinh phí thì sau này cũng không thể thanh toán được. Đầu tư này phải được ghi vào trong ngân sách, được cân đối cụ thể, đàng hoàng.
Chỉ có điều phải căn cứ khả năng của chúng ta mà cân đối với đầu tư công ở mức nào để đảm bảo cho ngân sách ổn định. Nếu vượt quá, chẳng hạn như có 1 mà chi 2, chi 3 thì số vượt lên chúng ta sẽ không có gì bù, sẽ vỡ nợ công.
PV: - Chúng ta nói nhiều về sự cấp thiết phải tái cấu trúc nền kinh tế, thoát khỏi khủng hoảng, vậy vấn đề xử lý gánh nặng nợ công sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Nhà nước đã có công trình rồi, doanh nghiệp đã phải bỏ vốn rồi thì Nhà nước phải thanh toán càng nhanh càng tốt, vậy mới cứu được doanh nghiệp và đây cũng là trách nhiệm của Nhà nước.
Còn tất nhiên, nếu để giải quyết tất cả cùng một lúc thì ngân sách không thể gánh được. Chúng ta phải lên lộ trình, phải dừng những khoản chi hiện tại mà không cần thiết để bốc ra, thanh khoản vào cái đấy.
Việc giải quyết vấn đề này không thể nhanh được, vì nó đã được tích tụ quá lớn, nhưng chúng ta phải phân chia ra. Chẳng hạn như trong 3 năm, mỗi năm cố gắng bỏ ra 30.000 tỷ để giải quyết dần. Biết là rất khó nhưng vẫn phải làm, vì nếu không doanh nghiệp của ta sẽ suy sụp ngay.
Trong hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, nhưng bản thân các địa phương cũng phải tự điều phối, phải biết "liệu cơm gắp mắm".
Bởi suy cho cùng những điều này xảy ra đều tại địa phương, ghi bừa vào kế hoạch, rồi chi quá tay nên địa phương phải giải quyết, không thể lấy ngân sách Trung ương bù vào được. Tất nhiên là sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng phải chấp nhận thì mới thoát được.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo