Tin tức - Sự kiện

TS Nguyễn Hồng Kiên: Chủ đầu tư xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc đã đánh tráo khái niệm di tích?

(DNVN) Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên – chuyên gia thuộc Viện Khảo Cổ học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) – người trực tiếp khai quật di tích đàn Xã Tắc đã công bố một thông tin gây “sốc”: Chủ đầu tư xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc đã đánh tráo khái niệm di tích.

Không muốn để "lời nói gió bay", Tiến sĩ Kiên đã nhấn nút để chứng minh lời mình nói. Bản thiết kế cây cầu của chủ đầu tư là BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội hiện ra và 6 chiếc hố đã được đào trong đợt khai quật đàn Xã Tắc cũng hiện ra. Và, Tiến sĩ Kiên đã phơi bày một sự thật: Thiết kế được coi là hoàn hảo nhất mà chủ đầu tư công bố đã đi đúng vào trung tâm khu vực của di tích đàn Xã Tắc.

Khu di tích được xếp hạng bảo vệ thì họ lờ đi và coi đảo giao thông là khu vực cần phải tránh. Nhưng đảo giao thông thực tế không phải là khu vực quan trọng nhất, mà chỉ là một phần bên ngoài những cái hố mà chúng tôi đã khai quật.

Nếu đây đúng là sự thật thì không hiểu chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan đã ủng hộ phương án xây cầu vượt sẽ lý giải thế nào?

Cần phải nhắc lại rằng, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Sỹ Bảo – Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã khẳng định, khi triển khai dự án thì “các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với nhau rất cẩn thận để đảm bảo không xâm phạm tới di tích”.
Nhà nghiên cứu Bùi Thiết nói: “Không cần bàn cãi về việc có tồn tại di tích Đàn Xã Tắc hay không, vì các cụ ta ngày xưa không nói ngoa chuyện ấy được, không ai bịa đặt chuyện thần thánh. Không có gì giết chết Đàn Xã Tắc nhanh hơn là xây cầu vượt”.

Vị Giám đốc BQL dự án cũng cho biết, đã làm việc với đơn vị tư vấn đề có hơn 10 phương án, đã lựa chọn 3 phương án trình với UBND TP và các sở ngành, trong đó tập trung vào phương án làm cầu vượt để không làm ảnh hưởng tới Đàn Xã Tắc. Rồi, ông Bảo khẳng định: “Những phương án chúng tôi trình đã được Hội đồng kiến trúc sư thành phố thông qua, ngay cả với phương án làm cầu vượt thì các mố cầu cũng nằm ngoài phạm vi Đàn Xã Tắc”.

Sau đó ít ngày, trả lời báo chí, ông Bảo tiếp tục khẳng định: “Về phía chủ đầu tư là đơn vị chúng tôi khi triển khai dự án này trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố gắn với việc thực hiện theo Luật di sản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương và Hà Nội”.

Tuy nhiên, câu hỏi lúc này được đặt ra là: Nếu Tiến sĩ Kiên đã nói thật, thì BQL dự án hẳn nhiên đã nói dối? Hoặc là họ cũng “mù tịt” về di tích đàn Xã Tắc. Vậy thì chủ đầu tư đã mời những đơn vị chuyên môn nào vào cuộc để lập ra các phương án này?

 Liệu những cơ quan chuyên môn ấy có thực sự đáng tin cậy? Phải đặt ra câu hỏi ấy, vì có hai tổ chức rất quan trọng đã bị “lờ” đi, đó là Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học (đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ khai quật di tích đàn Xã Tắc).

Có lẽ vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên đã phải làm một cái việc “cực chẳng đã”, đó là “bóc mẽ” phương án tốt nhất mà chủ đầu tư đã lựa chọn để công bố. Dù rằng, sau những lời thẳng thắn này, Tiến sĩ Kiên có thể bị nhiều người căm ghét.

Theo như lập luận của Tiến sĩ Kiên, bằng những dẫn chứng hình ảnh rất cụ thể, thì phương án làm cầu đã công bố hóa ra đó lại là phương án tồi nhất, nếu xét trên góc độ bảo tồn di sản. Tồi vì thiết kế cây cầu đi qua khoảng không gian chính của di tích đã khai quật. Tồi vì một trong số các mố cầu nếu được đóng xuống thì sẽ chọc thẳng vào một trong 6 hố đã khai quật.

Tất cả những điều ấy nếu trở thành sự thật, thì sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản, mà đây lại là một di tích được xếp hạng đặc biệt. Thế nên, Tiến sĩ Kiên khẳng định rằng, nếu xây cây cầu này thì sẽ phá hủy hoàn toàn di tích và chính ông sẽ là người kiện tới cùng.

Thêm một câu hỏi nữa phải được đặt ra lúc này là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, cùng với các đơn vị chuyên môn khác của Hà Nội đã làm những gì, đã bàn thảo ra sao, để cuối cùng lại cho rằng đó là phương án tốt nhất? Không biết, sau sự kiện này, liệu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có rút ra được bài học gì?

Bàn về vấn đề này, sáng nay, GS Trần Lâm Biền đã nói với Giáo dục Việt Nam một câu chua chát: “Cái căn bản sâu xa là người ta coi thường văn hóa, coi như đó là chuyện riêng của ngành văn hóa, của một ai đó, của người xưa thôi, chứ không phải của mình, thế nên mới có cái ý tưởng kỳ quái như vậy”.

Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo