Tin tức - Sự kiện

TS Nguyễn Tiến Luận: Tâm lý sính bằng cấp đang khiến Việt Nam tụt hậu!

Đây là nhận định của TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi khi đánh giá về câu chuyện bằng cấp tại Việt Nam trong những năm gần đây.

TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi.

Nguyên nhân từ cơ chế bao cấp, xin cho?

PV: Thưa TS Nguyễn Tiến Luận, dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, ông đánh giá thế nào về thực trạng chạy theo bằng cấp để vào các cơ quan nhà nước, và gần như phải có bằng cấp mới được thăng chức?

TS Nguyễn Tiến Luận: Bây giờ ở Việt Nam bằng cấp đang bị xã hội hóa, quy trình đào tạo và cấp bằng ở nhiều nơi dễ dãi, cho nên mới xảy ra thực trạng “bằng cấp cao nhưng năng lực thấp”, đó là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng tăng cao.

Tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt xuất phát từ cơ chế hành chính bao cấp, xin cho, đa phần các gia đình cũng muốn con em có tấm bằng rồi nhét vào một cơ quan nhà nước, nghiễm nhiên thành “công chức”. Và để có được chức Phó phòng hay Trưởng phòng ở nhiều cơ quan nhà nước thì họ lại phải cố lấy được bằng Thạc sĩ, thậm chí cao hơn nữa. Tâm lý sính bằng cấp đang khiến Việt Nam bị tụt hậu.

Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay rồi nhưng chưa được xử lý, gần nhất Bộ Nội vụ cũng đã lên tiếng về tình trạng này. Theo tôi, cái bất hợp lý ở đây không chỉ là hàng nghìn con người đang ăn bám vào đồng lương nhà nước, mà nguy hiểm hơn là họ không có năng lực thực sự thì sẽ làm cho nền hành chính trì trệ thêm. Họ chính là gánh nặng mà hàng triệu người dân đang phải gánh.

Tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo Đề án cải cách chế độ công vụ vào cuối tháng 1/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu: “Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

PV: Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng bằng cấp cũng là sự ghi nhận trình độ của mỗi một cá nhân, vì sao ông cho rằng tấm bằng không thực sự cần thiết?

TS Nguyễn Tiến Luận: Cái bằng là điều kiện cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành danh của một con người, mà bằng chứng là trên thế giới có hàng trăm tỷ phú chưa từng học đại học. Còn ở Việt Nam, cũng có hàng chục doanh nhân khởi nghiệp dù chưa từng học đại học, thậm chí có người vì điều kiện khó khăn nên chưa tốt nghiệp PTTH, nhưng họ rất giỏi và đang là người điều hành những doanh nghiệp rất lớn.

Tôi đồng ý tấm bằng là căn cứ để chứng thực rằng bạn đã học một chuyên ngành, bậc học nào đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đạt được trình độ xứng đáng đúng với tấm bằng ấy, vì như tôi đã nói chuyện cấp bằng ở nhiều cơ sở đào tạo tại nước ta còn quá dễ dàng.

Thực tế nhiều sinh viên không học cho mình mà “học cho bố mẹ”, nói cách khác họ được sắp xếp trước công việc trong tương lai, đó là trở thành “công chức nhà nước”. Thậm chí nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với công việc, họ cần nó như “tấm bình phong” cho oai với thiên hạ vậy thôi. Đó là chưa kể, một ngày nào những con người không có năng lực “luồn lách” để leo lên được các vị trí lãnh đạo thì đó là hiểm họa khôn lường cho đất nước.

Chính sách quản lý của Bộ Giáo dục đang có vấn đề?

PV: Như phân tích của ông, vậy phải quay về bài toán đào tạo, nếu quy trình chặt chẽ nghiêm túc thì người học phải tuân thủ và ai thực sự có khả năng thì mới được cấp bằng, và đó là bằng thật?

TS Nguyễn Tiến Luận: Sự thật phải là vậy, nhưng thực tế ở Việt Nam bây giờ lấy được cái bằng Thạc sĩ quá dễ. Tôi tin rằng chỉ hai năm nữa, Thạc sĩ ở Việt Nam có khi nhiều chẳng kém gì cử nhân. Tôi cũng tin rằng, dù là điều kiện bắt buộc thi đầu vào đầu ra, nhưng trình độ ngoại ngữ của hàng nghìn Thạc sĩ chỉ là “a-b-c”, không giao tiếp nổi chứ đừng nói tới nghiên cứu tài liệu.

Muốn giải quyết được thực trạng này thì phải nhanh chóng thay đổi chương trình đào tạo và có định hướng phân luồng nhân lực ngay từ khi các em học hết cấp THCS và điều chỉnh cấp học cho phù hợp. Ví dụ: Cấp tiểu học là hết lớp 7, THCS hết lớp 10, chỉ còn lại 2 năm PTTH. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, các em học tiếp đại học; nhưng các em cũng có thể lựa chọn học hết lớp 10 rồi chuyển sang học nghề, đến khi đủ 18 tuổi là đi lao động.

Tôi tin rằng, các em chỉ cần học hết cấp 2 là có thể học nghề chứ không nhất thiết phải hết PTTH như hiện nay, như vậy là đang lãng phí thời gian và tốn kém hàng nghìn tỷ đồng của nhân dân. Tôi xin nêu một thí dụ rất cụ thể, hiện nay một số cơ sở ở Đức đang thông qua chúng tôi để tuyển dụng 15 thanh niên Việt Nam (chỉ cần tốt nghiệp THCS), sau đó học ngoại ngữ cùng với kỹ năng 3 tháng, rồi sang Đức học nghề hàn 6 tháng, ngay lập tức họ được làm việc với mức lương 1.800 Euro/tháng. Còn ở Việt Nam chưa biết khi nào mới làm được như vậy, dù đó là nhu cầu thực tế.

PV: Nếu nói về chuyện bằng cấp thì thực tế hiện nay ngay cả chính sách quản lý Bộ Giáo dục cũng đang có vấn đề, khi quy định bắt buộc các trường đại học mở ngành phải có người đứng đầu là Tiến sĩ…

TS Nguyễn Tiến Luận: Đúng vậy, Tuy nhiên, tôi nghĩ để thay đổi triệt để “tâm lý bằng cấp” chẳng dễ dàng gì, vì đúng là ngay chính sách mà Bộ Giáo dục đang áp xuống các trường là khi mở ngành thì phải có người đứng đầu là Tiến sĩ. Tôi cho rằng, quy định như vậy là máy móc và không phù hợp với thực tế hực tế. Thí dụ, ngành Kiến trúc hay Mỹ thuật công nghiệp, sinh viên cần những giảng viên có kiến thức thực tế chứ đâu phải tiến sĩ hay thạc sĩ giấy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo GDVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo