TS Nguyễn Trí Hiếu: Chính phủ phải xử lý nợ xấu, nhưng....
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Lấy tiền dân cứu NHTM: Bất công lớn?
PV:- Bộ KHĐT đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Lý giải cho đề xuất này, một thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, phải cấp cho ngân hàng thương mại một khoản tiền để họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DNNN.
Từ đề xuất cũng như lý giải nói trên, có thể hiểu thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại và nỗ lực giải quyết nợ xấu của VAMC thời gian qua? Trong khi áp lực nợ công, bội chi… ngày càng đè nặng lên các quyết định chi tiêu ngân sách, đề xuất nói trên nên được xem xét như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Đầu tiên phải hiểu rõ khái niệm, thế nào là dùng tiền để xử lý nợ xấu? Tôi lấy một ví dụ cụ thể cho dễ hiểu, ngân hàng thương mại có một món nợ với số dư là 100 đồng. được thế chấp với tài sản bảo đảm là BĐS có giá trị hiện tại là 40 đồng. Món nợ này đã quá hạn trên 180 ngày và đang được phân loại ở nhóm nợ 4 (nợ nghi ngờ không có khả năng hoàn trả).
Số tiền dự phòng rủi ro cụ thể mà ngân hàng phải trích lập cho nợ xấu nhóm 4 là: (100 – [40 x 50%] x 50%) = 40. Dư nợ ròng sau trích lập dự phòng rủi ro là 100 – 40 = 60 đồng. Nếu người đi vay không còn khả năng thanh toán và ngân hàng này không muốn duy trì món nợ này trên sổ sách thì có thể giải quyết món nợ xấu này ra sao? Trên nguyên tắc hiện này ngân hàng có những cách giải quyết như sau:
Thứ nhất, ngân hàng tự xử lý bằng cách đưa món nợ này vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập để cấn trừ phần nào dư nợ, phát mại tài sản, và sau cùng xóa nợ trên bảng cân đối kế toán. Nếu dự phòng và tiền thu từ phát mại không đủ bù đắp dư nợ thì ngân hàng hạch toán ngoại bảng số dư còn lại để tiếp tục theo dõi và truy đòi.
Thứ hai: ngân hàng có thể bán khoản nợ này cho một ngân hàng khác hay một nhà đầu tư nào đó nếu họ thấy tài sản bảo đảm đủ để bù trừ cho khoản nợ và họ mua được khoản nợ, và nếu được chiết khấu với một tỉ lệ hấp dẫn (10, 50 thậm chí 90% nếu là nợ quá xấu).
Thứ ba: bán nợ cho VAMC nếu khoản nợ đạt tiêu chí và điều kiện của AMC. Trong trường hợp này VAMC sẽ mua với giá trị sổ sách tức là trả cho ngân hàng đó 60 đồng, nhưng không phải bằng tiền mặt mà là trả bằng trái phiếu đặc biệt, tương tự như một loại giấy nợ, có hiệu lực trong 5 năm.
Trong tình hình nợ xấu của Việt Nam hiện nay cả ba giải pháp đều không mang lại kết quả mong muốn là giải quyết dứt điểm “cục máu đông”.
Với giải pháp thứ nhất các ngân hàng cũng đang nỗ lực giải quyết nợ xấu nhưng không đi đến đâu vì nếu các ngân hàng giải quyết kiểu này một cách triệt để và đồng bộ thì nhiều ngân hàng sẽ phá sản vì sự thiệt hại do phát mại tài sản bảo đảm và xóa nợ sẽ triệt tiêu vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đó. Toàn thể hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ rơi vào khủng hoảng về an toàn vốn và thanh khoản.
Với giải pháp thứ hai, hiện nay chẳng có nhà đầu tư nào kể cả nước ngoài dám mạo hiểm mua nợ của các ngân hàng Việt Nam vì luật lệ về tài sản bảo đảm và việc thanh lý tài sản bảo đảm, nhất là BĐS, đang là rào cản để các nhà đầu tư dám mua nợ. Đặc biệt là Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ, trong đó nợ là một món hàng có thể trao đổi trên thị trường nợ.
Với giải pháp thứ ba, VAMC đã được xây dựng với mục đích xử lý tạm thời đống nợ khổng lồ là đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng và đem vào bảng cân đối kế toán của VAMC, tức là tìm một bãi đậu cho một số nợ xấu chứ không phải là để giải quyết vấn đề nợ xấu một cách triệt để. Vì thế sau hơn một năm đi vào hoạt động VAMC đang ôm một đống nợ khổng lồ mà không biết giải quyết thế nào.
Trong tình thế không có lối thoát này thì đề xuất dùng tiền ngân sách để mua những khoản nợ của một số doanh nghiệp nhà nước là rất đáng quan tâm. Chúng ta hãy cùng khảo sát.
Đề xuất lấy tiền ngân sách để mua nợ xấu DNNN của Bộ KHĐT thực chất là gì? Đây là cách xử lý nợ bằng tiền tươi thóc thật, Chính phủ phải dùng ngân sách mua lại khoản nợ DNNN đã vay ngân hàng thương mại với một giá được hai bên thỏa thuận.
Bản chất ở đây là Chính phủ đang dùng tiền ngân sách (tiền thuế của dân) cứu các ngân hàng và DNNN thoát cảnh nợ nần. Về phía các ngân hàng, ngân hàng lấy lại được phần nào số vốn đang bị đóng băng hay có thể đã mất. Về phía các DNNN, các doanh nghiệp này có ông chủ nợ mới là chánh phủ và có khả năng là ông chủ nợ mới sẽ tha nợ cho họ và họ thoát khỏi cảnh nợ nần. Hay nói cách khác, là người dân đang phải gánh nợ thay các DNNN.
Chúng ta cũng nhìn thấy rõ cách dùng tiền ngân sách có thể đưa lại những lợi ích nhất định, nhưng cũng có thể đưa đến những điều bất lợi.
Trước hết điểm tích cực là nợ DNNN sẽ được mang ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại (tức là được xóa bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng) đồng nghĩa với việc nợ xấu của các DNNN tại các ngân hàng thương mại cũng được dọn sạch.
Sau đó có hai điểm tích cực khác đáng lưu ý. Thứ nhất, nhà nước đã thừa nhận muốn xử lý nợ xấu phải dùng tiền thật. Đây được xem như Chính phủ đang tìm phương hướng mới để giải quyết nợ xấu.
Đồng thời cũng cho thấy, nỗ lực xử lý nợ xấu chỉ bằng tờ giấy đảm bảo của VAMC thời gian qua là không mang lại hiệu quả. VAMC không xử lý bằng tiền thật, mà dưới hình thức giấy ghi nợ, nên tất cả mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, nợ vẫn nằm đó. VAMC chỉ giống như một bãi đáp tạm thời cho nợ xấu. Tôi cho rằng, nếu không có VAMC các ngân hàng còn phải tích cực xử lý nợ xấu hơn nữa, rõ ràng bài toán của VAMC có vẻ đang có tác dụng ngược, thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng nợ xấu.
Đề xuất này gần như là cách giải thích: do VAMC không giải quyết được mà có thể làm trầm trọng hơn tình trạng nợ xấu nên giờ phải lấy một phần tiền ngân sách để giải quyết.
Một điểm tích cực khác trong đề xuất từ các chuyên gia của Bộ KHĐT là nếu dùng tiền thật để mua nợ xấu sẽ cứu được các ngân hàng thương mại có vốn để quay vòng và từ đó đổ vốn vào nền kinh tế giúp phát triển sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, dùng tiền thật mua nợ xấu sẽ tạo ra một thị trường mua bán nợ phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, không những cho nợ xấu mà cho tất cả loại nợ có thể mua bán trao tay
Tuy nhiên, điều bất lợi là gì? Thứ nhất, chính phủ hiện nay đang rơi vào tình trạng bội chi lớn, nợ công tăng lên, Chính phủ lấy tiền đâu để mua nợ xấu? Nếu theo tính toán của tôi, nợ xấu của cả nền kinh tế đã ở mức từ 200.000-600.000 tỷ (7-20% trên tổng dư nợ hiện nay), một con số khổng lồ mà muốn xử lý được Việt Nam cũng không đủ khả năng.
Nhìn từ cấu phần nợ xấu sẽ thấy hiện có 3 cấu phần nợ xấu lớn nhất là nợ xấu DNNN; thứ hai là nợ thế chấp bằng BĐS; thứ ba là nợ của lợi ích nhóm. Trong đó, nợ DNNN lớn nhất, có thể chiếm tới 70% của tổng dư nợ xấu.
Nếu chỉ tập trung xử lý nợ xấu cho các DNNN cũng không phải điều dễ, số lượng lớn như vậy Chính phủ lấy tiền đâu xử lý? Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải quyết nợ xấu của khu vực DNNN theo cách cuốn chiếu và từng giai đoạn. Nhưng xử lý kiểu nhỏ giọt kiểu này thì cũng không khác gì cách xử lý của VAMC.
Thứ hai, nợ xấu là nợ của rất nhiều thành phần kinh tế chứ không riêng gì của DNNN. Nếu bỏ tiền ngân sách mua nợ của DNNN nghĩa là lấy tiền thuế của dân để cứu các DNNN và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là những ngân hàng cho vay DNNN nhiều nhất thì có công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân và những ngân hàng không có vốn nhà nước không?
Trên thực tế nhiều ngân hàng thương mại nhà nước bị chỉ định cho DNNN vay vốn, nay DNNN làm ăn thua lỗ, ngân hàng mang nợ xấu thì Chính phủ lại chìa tay cứu. Như vậy, nghĩa là nhà nước đang tạo ưu thế, ưu đãi cho những ngân hàng thương mại nhà nước và các DNNN, những ngân hàng cổ phần sẽ phải chịu thiệt thòi. Điều này tạo ra sự bất công trong nền kinh tế Việt Nam.
PV:- Thưa ông, nếu theo đề xuất của Bộ KHĐT, việc chi ngân sách để xử lý nợ xấu là để giải quyết việc “doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ, nợ xấu phải dùng ngân sách để cứu” hay đây cũng là biện pháp để cứu các ngân hàng thương mại? Trong cả hai trường hợp, phải lý giải tính hợp lý của đề xuất trên như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Đúng vậy. Như tôi đã trình bày ở trên cách làm này thực chất là đang cứu các ngân hàng thương mại nhà nước và DNNN, đây là điều bất công mà tôi vừa nói tới. Tức là DNNN là người gây nợ xấu thì lại được nhà nước chìa tay cứu, trong khi bao nhiêu thành phần kinh tế khác cũng lâm vào tình trạng nợ xấu nhưng không được ai cứu.
Đáng nói, DNNN đã vay tiền của ngân hàng thương mại đầu tư thua lỗ, chi phí lớn, hiệu quả kém lại được nhà nước cứu đầu tiên. Khu vực tư nhân, khu vực vốn đã yếu kém nhưng có khả năng đóng góp cho nền kinh tế lớn nhất lại bị bỏ quên trong kế hoạch này. Tức là đề xuất này chỉ làm béo bở các ngân hàng thương mại nhà nước. Đó là sự bất công, bất quân bình trong nền kinh tế. Phương án này hoàn toàn không hợp lý.
Người dân không phục
PV:- Nhiều chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm sở hữu chéo trong các ngân hàng và ma trận này vẫn chưa có cách tháo gỡ để minh bạch hệ thống tài chính; câu hỏi nợ xấu mua về rồi sẽ làm gì cũng chưa có lời giải, việc bơm tiền thật xử lý dứt điểm nợ xấu có giúp khơi thông dòng tín dụng đang không tới được với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (khu vực tư nhân) hay không hay chỉ dùng để cứu chính các ngân hàng thương mại? Liệu đó có là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước “rất muốn thế nhưng chúng tôi chưa hề đề xuất như vậy” như lời Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh hay không, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu:- Đầu tiên phải hiểu, nợ xấu đang làm kinh tế bị trì trệ như thế nào, vì sao phải xử lý nợ xấu? Thứ nhất, nợ xấu làm mất tính thanh khoản của ngân hàng. Tức là ngân hàng thương mại đem tiền của dân cho vay, nếu thuận lợi dòng tiền đó sẽ trở lại, sinh lợi nhuận cho ngân hàng. Nhưng tiền đó đổ vào DNNN, làm ăn thua lỗ, tiền ngân hàng chảy vào hố đen và không trở lại. Ngân hàng mất thanh khoản.
Thứ hai, DN khi bị liệt vào nợ xấu, đã mang trên mình vết chàm nợ nần sẽ không thể vay tiếp, đồng nghĩa với việc ngân hàng thương mại cũng rơi vào tình trạng bị “ê càng”, không dám cho vay vì sợ cho vay nhưng không đòi được.
Thứ ba, một khi nền kinh tế có nợ xấu, tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng đặc biệt là BĐS. Nợ xấu bảo đảm bằng BĐS đẩy giá trị BĐS xuống rất thấp vì đầy dẫy BĐS được đem ra thị trường để bán tống bán tháo. Khi BĐS bị đẩy xuống sẽ làm nợ xấu tăng lên. Cứ như vậy nợ xấu, nợ và BĐS kéo nhau đi xuống và kéo theo nền kinh tế trì trệ, kéo nhau vào vòng xoáy khủng hoảng.
Như vậy, tác động lan tỏa của nợ xấu với nền kinh tế là rất khủng khiếp. Do đó, giải quyết nợ xấu là vấn đề cốt lõi trong việc đẩy được nền kinh tế đi lên.
Vậy phải xử lý nợ xấu thế nào? Trong tiến trình xử lý nợ xấu có hai bước, thứ nhất, mua nợ từ các ngân hàng thương mại; và bước thứ hai, nợ mua về sẽ được xử lý như thế nào?
Câu trả lời có thể đi từ câu hỏi sau đến câu hỏi trước.
Về câu hỏi sau có ba cách xử lý, một là: Hồi phục cho doanh nghiệp được mua nợ xấu (bơm thêm tiền, hoặc mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp đó). Giải pháp này bắt buộc nhà nước phải có tiền trả cho ngân hàng thương mại để mua lại nợ xấu mà nhà nước phải có tiền để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Hai là, nhưng nếu doanh nghiệp vẫn không thể phục hồi thì cách tốt nhất là cho phá sản. Chính phủ sau khi mua nợ từ ngân hàng, tức là đang ôm nợ xấu của doanh nghiệp đó thì phải có trách nhiệm hoặc phục hồi, hoặc cho doanh nghiệp đó chết.
Ba là, Chính phủ mua nợ xấu và bán lại cho một công ty mua bán nợ khác. Tức là để xử lý nợ xấu Chính phủ hoặc là cho phục hồi, hoặc phá sản, hoặc tiếp tục bán nợ trên thị trường nợ.
Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nói về một trong những vấn đề quan trọng trong việc xử lý nợ xấu là làm sao xử lý được ma trận sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại để việc bơm tiền thật xử lý nợ xấu sẽ giúp khơi thông dòng tín dụng? Phải thừa nhận, sở hữu chéo chính là nguyên nhân cản trở quá trình xử lý nợ xấu, vì nó liên quan tới yếu tố lợi ích nhóm. Chính sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại đang là nguyên nhân làm nợ xấu tăng lên.
Mối quan hệ giữa nợ xấu và sở hữu chéo rất phức tạp, nó như một mớ bòng bong rút sợi này sẽ kéo theo sợi khác bị động. Nếu muốn xử lý nợ xấu, phải xử lý những đơn vị đi vay, nhưng những đơn vị đi vay lại liên kết chặt chẽ về quyền lợi với ngân hàng thương mại qua sở hữu chéo và chia xẻ lợi ích, cứ như vậy nên tới giờ bài toán xử lý sở hữu chéo, nợ xấu vẫn không thể tìm ra lời giải.
Bản thân ngân hàng đã luôn khoan dung với những món nợ phát sinh thêm qua sở hữu chéo, nếu Chính phủ cũng bỏ tiền cứu nợ xấu từ sở hữu chéo người dân sẽ không phục. Tức là cứu người dùng thủ đoạn, lừa dối, tiêu tiền dân vô lối, như vậy là tạo thêm bất công, bất quân bình.
PV:- Trở lại câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để mua nợ từ các ngân hàng. Theo cá nhân ông, ở thời điểm này nên áp dụng phương cách nào để xử lý nợ xấu? Nếu trích từ ngân sách nhà nước để xử lý thì có phải kèm theo các điều kiện gì để tránh tình trạng biến nợ xấu thành nợ rất xấu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Vấn đề xử lý nợ xấu hiện tại đúng là phải dùng đến bàn tay của chính phủ vì nó đang nằm ngoài khả năng của của các ngân hàng thương mại. DN nước ngoài không dại gì mua lại nợ xấu của VN; BĐS thế chấp không thanh lý nhanh chóng được. Như vậy, người duy nhất giải quyết được là chính phủ.
Tôi ủng hộ Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng không chỉ là các khoản nợ xấu của DNNN mà của tất cả các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí của Chính phủ.
Nhưng để xử lý được nợ xấu điều đầu tiên bắt buộc Chính phủ phải minh bạch nợ xấu hiện tại là bao nhiêu, nợ xấu nằm ở đâu, sử dụng nguồn tiền xử lý như thế nào… từ đó mới thuyết phục dân chúng, Quốc hội cùng giải quyết.
Tôi cho rằng, cùng với nguồn tiền hỗ trợ của nước ngoài, nguồn tiền đi vay, giải pháp cuối cùng Chính phủ có thể phải in thêm tiền theo cơ cấu: ngân sách chi khoảng 50%, 30% vay nước ngoài, 20% NHTM phải đóng góp. Từ 3 cấu phần đó tạo ra một quỹ xử lý.
Từ đó, phải có kế hoạch phân khúc cho từng lĩnh vực, số tiền xử lý cho từng phân khúc cụ thể là bao nhiêu, phải ưu tiên hóa xử lý nợ xấu nào trước.
Theo tôi, nếu doanh nghiệp nào còn mang tính phục hồi, còn mang lại đóng góp cho kinh tế thì phải cứu họ trước. Lĩnh vực không còn phục hồi, nhưng tài sản đảm bảo vẫn có tính tính thanh khoản tốt như BĐS, ưu tiên thứ hai.
Thứ ba, vì quyền lợi quốc gia mà mang nợ xấu nhưng phải duy trì vì lợi ích cho địa phương nào đó cũng phải được giải quyết. Tất cả món nợ liên quan tới nhóm lợi ích phải được xem xét giải quyết cuối cùng.
PV: Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Lạt khuyến cáo du khách khi đặt phòng lưu trú qua mạng
Đà Nẵng: Sẽ có 100 ông già Noel diễu hành chào đón Giáng sinh và năm mới 2025
Việt Nam trở thành nước đi đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu
Bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng ngành hàng nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long
Chống lãng phí trong phát triển kinh tế - Bài 3: Trắc trở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD