Chứng khoán

TTCK cuối năm 2015: Cơ hội và thách thức

(DNVN) - Giai đoạn tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán đã trôi qua nhanh chóng khi chỉ số VN-index tăng đến vùng 640 điểm và tụt dốc bởi nhiều thông tin tiêu cực mà ở đó chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố nước ngoài đặc biệt là việc Trung Quốc phá giá tiền nhân dân tệ.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay cho đến cuối năm 2015 cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng song thách thức cũng rất nhiều, những tin tức như Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nội tệ, giá dầu tiếp tục xu hướng giảm, FED tăng lãi suất, việc đàm phán TPP đang rơi vào bế tắc…là các nguyên nhân chính dẫn đến những rủi ro giảm giá cho thị trường thời gian qua.

Cơ hội lớn cho thị trường cuối năm và các năm tiếp theo

Thị trường chứng khoán đã giảm liên tục trong hơn một tháng qua, sự hồi phục của thị trường hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn mà chưa có tín hiệu rõ nét cho việc tăng trường bền vững. Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro song cơ hội lớn của thị trường đang ở phía trước.

Trước hết phải nói đến việc điều hành các chính sách vĩ mô của Chính phủ, của NHNN đối với chính sách tỷ giá. Khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ thì NHNN cũng chủ động nới biên độ tỷ giá, không neo tỷ giá để hạ nhiệt ở thị trường tiền tệ vốn rất nhạy cảm với nền kinh tế. Song với chính sách điều tiết linh hoạt đã tránh được việc “tỷ giá căng như dây đàn” hay nhảy múa của tỷ giá trên thị trường tiền tệ, điều đó giúp cho thị trường này ổn định hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay cho đến cuối năm 2015 cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng song thách thức cũng rất nhiều - Ảnh: Internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay cho đến cuối năm 2015 cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng song thách thức cũng rất nhiều - Ảnh: Internet

Một cơ hội lớn cho thị trường thương mại của Việt Nam là việc giá nhập các tổ chức như  ký kết FTA hay việc đang tiếp tục tiến hành các đàm phán song phương về TPP để sớm kết thúc các quá trình đàm phán dự kiến cuối năm nay sẽ thông qua…điều đó mở ra cơ hội lớn cho thương mại của nước ta nói chung và một số ngành xuất khẩu nói riêng mà ở đó những ngành như thủy sản, may mặc…được hưởng lợi lớn khi TPP được thông qua.

Với việc giá dầu giảm, đồng nhân dân tệ giảm…thì việc nhập khẩu chủ yếu các nguyên liệu máy móc của Việt Nam chủ yểu từ Trung Quốc sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào qua đó hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2015 tăng trưởng có thể đạt được mức 6,4%  ngay cả khi biến động của giá dầu và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc.

Một cơ hội lớn mở ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo đó là việc các quỹ, các tổ chức định chế tài chính nước ngoài sẽ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường khi Chính phủ đồng ý cho nới room đối với các doanh nghiệp trên sàn niêm yết. Dòng tiền đầu tư của khối ngoại sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo khi các tổ chức tài chính thế giới nhìn nhận thị trường Việt Nam hiện hấp dẫn nhất khi vực Châu Á, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định nền kinh tế chính trị ổn định, kiềm chế tốt lạm phát và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Hiện nay, Chính phủ đã có chương trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa rất quyết liệt, táo bạo. Hành động này cũng phù hợp với tiến trình xúc tiến đầu tư và mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ có những công ty của Nhà nước bán 100% vốn, cũng như Nhà nước sẽ giao quyền cho hội đồng quản trị của công ty đó quyết định mở room bán cho các doanh nghiệp nước ngoài là bao nhiêu.Việc Chính phủ chỉ đạo điều tiết thị trường tiền tệ như  lãi suất, tỷ giá hối đoái linh hoạt theo cơ chế thị trường cùng với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được cho là những điểm sáng cho điều hành vĩ mô giai đoạn vừa qua.  

Việt Nam cũng sắp đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động qua đó giảm thiểu được rủi ro cho thị trường và tạo ra nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.Hiện nền kinh tế Việt Nam được cho là an toàn và là một nền kinh tế khỏe, có triển vọng lớn cho tăng trưởng trung dài hạn. Do vậy, TTCK là hàn thử biểu đo sự "nóng lạnh" của nền kinh tế, tấm gương khổng lồ phản ánh các yếu tố kinh tế vĩ mô như tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt thương mại… nên chỉ số chứng khoán luôn nhạy cảm trước các diễn biến về chính sách tiền tệ, tài khóa. Để  ổn định kinh tế và TTCK thì  mục tiêu và chính sách quản lý nên có sự nhất quán, đặc biệt là giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, chính sách thay đổi liên tục giữa các thái cực sẽ khiến DN bị động và TTCK không ổn định. Thời gian tới, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK.

Trên cơ sở phát triển nền kinh tế chủ động ứng phó với các diễn biến xấu của tình hình thế giới, người viết cho rằng Việt Nam luôn chủ động các yếu tố, diễn biến phức tạp và lường trước các diễn biến xấu như giá dầu giảm, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, FED có thể tăng lãi suất…hoặc chủ động tham gia đàm phán đối với các hiệp định thương mại như FTA, TPP…để nền kinh tế phát triển bền vững và đi theo đúng hướng, ngoài việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP thì việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, thu hút ngoại tệ đầu tư tạo bước đệm phát triển nền kinh tế cũng là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, việc cổ phần hóa các DNNN đang được khẩn trương, tìm phương án tối ưu để tiến hành quá trình CPH về đúng đích.

 

Trên cơ sở các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế nói chung, chúng ta có thể thấy cơ hội phát triển cho TTCK từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo là rất lớn. Các yếu tố đó sẽ giúp cho thị trường chứng khoán đạt quy mô lớn hơn hiện tại rất nhiều, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 15 năm hoạt động và phát triển chỉ đạt khoảng 32% GDP  nếu kể cả thị trường trái phiếu thì quy mô này đạt khoảng hơn 54% GDP, với quy mô hiện tại như vậy thì thực sự  thấp. Do đó, theo chiến lược phát triển thị trường từ nay đến 2020 thì quy mô này phải đạt 100% GDP.

Khó khăn và thách thức

TTCK ở giai đoạn hiện tại có thể nói là giai đoạn khó khăn khi mức thanh khoản liên tục sụt giảm, từ mức trên dưới 4.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn các tháng trong quý 2 năm 2015 thì những tháng trong quý 3 này thanh khoản liên tục sụt giảm cùng với sự sụt giảm của thị trường nói chung. Như vậy, có thể thấy ở giai đoạn ngắn hạn thị trường đang ở thời kỳ khó khăn nhất của năm 2015.

Khó khăn từ nay cho đến cuối năm đó là việc ổn định điều tiết thị trường tài chính nói chung mà ở đó thị trường tiền tệ luôn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài chẳng hạn như việc tăng giảm biên đọ tỷ giá, hay việc FED có tăng lái suất hay không cũng ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư lúc này. Ngoài ra, các quỹ, các tổ chức nước ngoài liên tục bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết cũng tạo ra tâm lý xấu cho toàn thị trường chứng khoán khi thị trường hiện tại không có thông tin tích cực. Ngoài các tin tức đã cũ như gia nhập TPP hay việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì hiện tại chúng ta đang chờ các thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về việc nới tỷ lệ như thế nào. Và việc điều tiết các chính sách vĩ mô của Chính phủ như  tỷ giá, lãi suất….cũng có tác động lớn ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng của thị trường ở giai đoạn từ nay cho đến cuối năm.

Thách thức tiếp theo là nền kinh tế của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế có tính chất sâu hơn do vậy chúng ta cũng phải đạt được các tiêu chuẩn mà nước ngoài, các nước phát triển họ đưa ra. Rõ ràng, chúng ta đang có thị trường quy mô chưa đủ lớn, chưa đủ hấp dẫn mặc dù thị trường này có cơ hội tăng trưởng lớn và an toàn cho họ. 
Mặc dù thị trường còn quá nhiều rủi ro và thách thức song về mặt trung dài hạn thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng vượt bậc khi sự điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, của các đơn vị quản lý thị trường như UBCK, NHNN… cùng với các hoạt động ngày càng minh bạch của doanh nghiệp niêm yết sẽ ngày càng thu hút được lượng vốn lớn không chỉ trong nước mà còn là các đối tác lớn nước ngoài. Ngoài ra, việc thị trường tài chính mà chủ yếu là việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sáp nhập hệ thống ngân hàng yếu kém mà NHNN đưa ra sẽ tạo được bước phát triển bền vững và minh bạch. Cũng qua đó, dòng tiền lưu thông vào nền kinh tế hiệu quả hơn, tỷ lệ nợ xấu được đưa về mốc an toàn, nguồn tiền cho kênh đầu tư chứng khoán cũng như các biện pháp, giải pháp phát triển thị trường cho giai đoạn 2015-2020 nhằm tăng quy mô thị trường sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển của thị trường từ nay đến cuối năm 2015.

 

Ái Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo