Chứng khoán

TTCK Việt Nam, nếu bỏ nhóm ngân hàng, thì rất rẻ so với khu vực

Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt là những yếu tố sẽ hấp dẫn nhiều NĐT nước ngoài, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng chia sẻ.

Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức dưới 13 lần, là thấp so với khu vực, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì còn thấp hơn nữa

Năm 2014, TTCK Việt Nam có tiếp tục là lựa chọn tốt cho NĐT khi so sánh với các thị trường trong khu vực, theo ông?

Khoảng một năm trở lại đây, TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn tương đối, trong khi các thị trường mới nổi khác có nhiều xáo trộn. Nguyên nhân có thể liên quan tới việc thu hẹp gói kích thích QE3 của Quỹ Dữ trữ Liên bang Mỹ. Từ năm 2010 đến năm 2013, khoảng 3.000 tỷ USD được bơm vào thị trường, một phần trong đó chảy vào các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Philippines…để tìm tài sản có lợi suất cao hơn. Khi gói QE3 bị thu hẹp, dòng tiền đầu tư tại các nước này cũng vì thế mà tìm cách chuyển trở lại Mỹ để đóng trạng thái, dẫn đến tình trạng tại các nước mới nổi bị bán mạnh hơn. Trong khi đó, hiện tượng rút vốn ồ ạt khó diễn ra tại Việt Nam do nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm qua không nóng như các thị trường khác.

Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức dưới 13 lần, là thấp so với khu vực, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì còn thấp hơn nữa. Chính những yếu tố trên sẽ giúp TTCK trong năm 2014 vẫn tiếp tục hấp dẫn NĐT nước ngoài. Tại CTCK MayBank Kim Eng, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư từ các thị trường mới nổi sang TTCK Việt Nam, rất có thể họ sẽ nâng tỷ trọng đầu tư tại Việt Nam cao hơn.

Nhưng họ cũng gặp những trở ngại nhất định?

Đúng, NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam không phải là không gặp trở ngại, nhất là không có nhiều hàng hóa, lựa chọn để đầu tư. Trong khi đó, những cổ phiếu có thể thỏa mãn được tiêu chí cơ bản tốt, thanh khoản cao lại không còn room. Song song đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn diễn ra chậm trễ khiến thị trường thiếu hụt lượng cung hàng hóa chất lượng. Vấn đề hệ thống quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp niêm yết cũng là điểm lo ngại của NĐT nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Vậy theo ông, TTCK Việt Nam năm 2014 có tốt hơn năm 2013?

Nếu xem “tốt hơn” trên khía cạnh mức điểm của VN-Index cuối năm 2014 cao hơn so với cuối năm 2013 thì đúng như vậy. Chúng tôi cho rằng, thị trường cổ phiếu năm nay sẽ tăng điểm hơn năm trước, đồng thời mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tốt, vào khoảng 14%. Với giả định P/E thị trường sẽ tăng nhẹ so với mức hiện tại là 12,6 lần thì VN-Index có thể đạt khoảng 580 - 600 điểm vào cuối năm 2014.

Nếu xem “tốt hơn” theo nghĩa mức tăng của VN-Index, thì năm nay, VN-Index phải tăng cao hơn mức 22% của năm 2013, và đây là một ý kiến tương đối lạc quan.

Vậy yếu tố quan trọng giúp TTCK tăng trưởng năm 2014 là gì?

Yếu tố quan trọng nhất để thị trường tiếp tục tăng trưởng chính là bức tranh kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát có thể giữ được ở mức mục tiêu của Chính phủ, tức khoảng 7%, lãi suất vẫn giữ được mức thấp như hiện tại, tỷ giá hối đoái cũng được dự đoán có ít biến động. Yếu tố thứ hai là lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp tăng ở mức hai chữ số.

Mặc dù năm 2014 dự kiến sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố khó lường. Các vấn đề trong nước như việc áp dụng Thông tư 02 trong việc phân loại tài sản của ngân hàng, đến các vấn đề từ thị trường bên ngoài như khả năng biến động mạnh của các nước mới nổi dự báo sẽ gây ra các xáo trộn tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong thời gian ngắn. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, các nguyên tắc cơ bản trong việc giao dịch chứng khoán như dừng lỗ nhanh chóng và để lãi chạy là điều mà các nhà đầu tư phải thực hiện một cách kỷ luật.

Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo