Từ 1/7 xoá sổ bến xe Lương Yên: Nên hay không?
Nhưng Sở Giao thông Vận tải và Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội cho rằng, việc di dời bến xe nên có lộ trình.
Bỏ bến… xây nhà
Bến xe Lương Yên thuộc Công ty lương thực cấp I Lương Yên là mô hình bến xe xã hội hoá, được hình thành từ năm 2004. Từ 10/9/2009, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có văn bản số 8737 chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu và thực hiện dự án xây dựng công trình hỗn hợp tại số 3 Lương Yên.
Ngày 27/10/2009, Sở Giao thông Vận tải có văn bản 1477 xem xét đề nghị của Công ty CP đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng VN về việc di dời bến xe Lương Yên để xây dựng công trình hỗn hợp.
Đến ngày 1/6/2012, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc có văn bản 460 không xin gia hạn và chấm dứt hoạt động của bến xe Lương Yên. Lý do mà ông Phạm Thanh Bằng – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc - đưa ra là, bến xe Lương Yên đã hết hạn hoạt động theo giấy phép của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Ngày 25/5/2012, liên danh chủ đầu tư dự án tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên đã họp về tình hình triển khai dự án và thống nhất không tiếp tục xin gia hạn cho bến xe nhằm tạo điều kiện mặt bằng để triển khai dự án. Đến ngày 6/6/2012, Công ty lương thực cấp I Lương Yên có văn bản 148 gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, chấp thuận xin chấm dứt hoạt động của bến xe Lương Yên từ 1/7/2012.
Cần có lộ trình
Ngay sau khi có những văn bản này, ngày 7/6, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội tỏ rõ quan điểm, xét thấy khu đất bến xe Lương Yên đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng, bến xe Lương Yên phải di dời là đúng quy định; nhưng việc di dời nên có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có thời gian sắp xếp xe sang các bến khác.
Trong đó, các doanh nghiệp vận tải cần phải thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, như khảo sát chọn bến xe, hiệp thương giờ xuất bến cho phù hợp với lộ trình bến đến, xây dựng phương án sản xuất-kinh doanh, làm thủ tục đăng ký với Sở Giao thông Vận tải, xây dựng giá thành vận tải để đăng ký giá cước vận tải, in vé, cấp vé cho các bến xe, xin cấp phù hiệu tuyến cố định và sổ nhật trình, hướng dẫn lái xe quen lộ trình. Với hành khách, cần phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết...
Đặc biệt, nếu thực hiện đóng bến từ 1/7 thì xe không biết đi đâu? Khi thành lập bến xe thì bến xe mời chào các doanh nghiệp và khách vào bến, lúc đóng bến thì đột ngột, không nhẽ phải dùng đến biện pháp “cưỡng chế” thu hồi đất, để xe “chạy dù” vòng vo đón khách.
Do đó, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hiệp thương với Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, công ty lương thực cấp I Lương Yên kéo dài hoạt động của bến xe Lương Yên.
“Hơn nữa, diện tích bến tạm hiện nay nằm ở phía bắc khu đất 5.000m2 được quy hoạch làm bãi đỗ xe cao tầng, không ảnh hưởng đến mặt bằng 14.228m2 ở phía nam để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng được thực hiện trong giai đoạn I” – Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội dẫn chứng.
Trao đổi với phóng viên ngày 10/6, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - khẳng định, số lượng khách đi lại qua bến xe Lương Yên rất lớn, do đó không thể nói dừng là dừng ngay được; bởi lẽ sẽ ảnh hưởng lớn đến thói quen đi lại của hành khách cũng như ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Sở sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ có báo cáo với Ủy ban Nhân dân Thành phố để đưa ra lộ trình hợp tình, hợp lý.
Việc xoá sổ một bến xe đã có thời gian hoạt động dài và tạo được thói quen đi lại của nhân dân thậm chí gây ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh, rất cần UBND TP thận trọng xem xét, giải quyết.
Theo LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo