Thị trường

Từ con nợ thành triệu phú sau 2 năm nuôi ba ba

Từng sạt nghiệp, vỡ nợ do sản xuất gạch nung không hiệu quả, nhờ bén duyên với nghề nuôi ba ba mà anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã vượt khó ngoạn mục.

Lãi ròng trăm triệu đồng/năm

Cách đây 5 năm, anh Tiến từng là chủ cơ sở sản xuất gạch nung lớn nhất nhì xã. Tuy nhiên, do quản lý kém, bạn hàng quỵt tiền dẫn tới việc sản xuất đình đốn, gia đình anh ôm cả đống nợ. Từ thân phận ông chủ, anh Tiến phải đi làm thuê cho 1 chủ trại nuôi ba ba ở trong thôn. Làm được 1 năm, vốn là chỗ họ hàng của anh Tiến, ông chủ trại đã gợi ý anh Tiến chuyển sang nuôi ba ba và cho anh 500 con giống về nuôi.

Năm 2013, anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 3 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ba ba trơn. Không có tiền, nên anh chỉ thuê mỗi máy múc, còn lại vợ chồng con cái anh bảo nhau tự làm lấy. Sau hơn 1 tháng hì hụi, 3 ao nuôi ba ba của anh đã hoàn thiện. Ngày thả 1.000 con ba ba trơn xuống ao, anh Tiến nuôi bao hy vọng.

Anh Nguyễn Văn Tiến kiểm tra đàn ba ba giống của gia đình. Ảnh: Đức Thịnh

“Nhờ được các hộ đi trước hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba từ cách thiết kế ao nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh, nên tôi đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên. Sau 2 năm nuôi, tôi xuất bán lứa ba ba đầu tiên, thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn..., còn thu lãi 220 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm lãi ròng hơn trăm triệu đồng, gấp 30 lần so với trồng lúa trên cùng 1 đơn vị diện tích” - anh Tiến khoe.

Nhàn như… nuôi ba ba

Đến nay, anh Tiến đã chủ động được nguồn giống ba ba trơn nên giảm đáng kể chi phí đầu tư. Theo anh Tiến, các hộ nuôi ba ba xã Khai Thái đang nuôi 2 loại là: Ba ba gai và ba ba trơn. So sánh về 2 loại ba ba này, anh cho biết, thời gian nuôi ba ba trơn là 2 năm và ba ba gai phải 3 năm mới đạt trọng lượng chuẩn để xuất bán. Ba ba gai có trọng lượng gấp đôi so với ba ba trơn.

“Tuy nhiên, việc ương giống ba ba trơn thuận lợi hơn rất nhiều so với nuôi ba ba gai. Quan trọng nhất là nuôi ba ba trơn không cần nhiều vốn đầu tư như ba ba gai. Ba ba trơn ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao và đặc biệt người nuôi rất nhàn, không vất vả như làm gạch nung. Mỗi ngày tôi chỉ cần dành 2 tiếng để chăm sóc và cho ba ba ăn” - anh Tiến cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba, anhTiến khẳng định để thành công thì người nuôi phải hiểu rõ về chúng, trong đó phải chú ý đến nguồn nước và kỹ thuật cho ba ba ăn rất quan trọng. “Ba ba ăn các loại cá tạp, ốc. Nhưng thức ăn phù hợp nhất với ba ba là cá mè tươi băm nhỏ. Ba ba ăn nhiều khi trời nóng, ăn ít khi trời mát, trời rét chúng không ăn gì” - anh Tiến cho hay.

 

Anh Nguyễn Tiến Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái cho biết, hiện toàn xã có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, tập trung ở thôn Vĩnh Thượng.

Hàng năm, Hội nông dân xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân…  để họ có vốn đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Anh Nguyễn Tiến Cường

Nên đọc
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo