Tự do kinh doanh trong khuôn khổ...một danh mục!
Trước đây, khi một cá nhân có ý tưởng kinh doanh, muốn thành lập DN thì phải xin cấp phép để được kinh doanh, cấp phép tức là có xin - cho. Điều này làm hạn chế cơ hội đầu tư kinh doanh - những hoạt động làm sản sinh ra tiền bạc, lợi nhuận, qua đó đóng góp cho nền kinh tế. Do đó, chúng ta đã chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế đăng ký kinh doanh. Đây là bước đi đúng, phù hợp, là sự khẳng định cơ chế thị trường của bất cứ quốc gia nào.
Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp 2005, có chỉ có một số giới hạn là những ngưỡng chặn nhất định.
Thứ nhất, logic kinh doanh cũng như nguyên lý quản trị rủi ro đòi hỏi với một số ngành nghề phải đáp ứng số vốn tối thiểu được pháp luật quy định. Phải có ngưỡng chặn là vốn pháp định vì đảm bảo năng lực nhất định khi giao kết, giao dịch với cộng đồng. Những ngành như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng… thường là DN đại chúng, huyết mạch của nền kinh tế cần phải đáp ứng điều kiện vốn pháp định và không dễ để hình thành những DN này.
Thứ hai, những ngành liên quan sức khỏe, tính mạng, an toàn con người, đòi hỏi người thực thi kinh doanh có trình độ nhất định, phải có chứng chỉ hành nghề như bác sỹ, luật sư, kỹ sư kết cấu xây dựng công trình…
Thứ ba, một số ngành đặc biệt Nhà nước can thiệp vào quyền tự do kinh doanh để đảm bảo đạt được tôn chỉ, mục đích, ngăn ngừa sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng và thường có liên quan đến lợi ích quốc gia trong đó. Đó là những ngành nghề phải có giấy phép mới được đăng ký kinh doanh như kinh doanh vàng, ngoại hối, casino…
Thứ tư là với một số ngành nghề đặc biệt, thì đòi hỏi một số điều kiện khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ đối với kinh doanh khách sạn nhà hàng…
Ngoài 4 ngưỡng chặn này còn lại là tự do kinh doanh.
Thế nhưng, thực tế những năm đầu tiên thực hiện cho tự do đăng ký kinh doanh theo Luật Công ty và sau này là Luật Doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước về kinh doanh gặp vướng mắc khó khăn trong thay đổi nhận thức. Khi đó, có nhiều ngành mới, lạ lẫm với một nước bước ra từ cơ chế bao cấp vào thời điểm đó như dịch vụ thám tử, môi giới hôn nhân gia đình, mai táng cho chó mèo… Vì không kịp thay đổi nên quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bằng biện pháp hành chính, với việc ban hành với một danh mục ngành nghề tự do đăng ký kinh doanh.
Sự tự do kinh doanh trong khuôn khổ một danh mục những ngành nghề đã dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh. Thực tế, đã có nhiều người thực tâm muốn cung cấp một loại hàng hóa, dịch vụ nhưng lại không tìm thấy ngành nghề muốn đăng ký trong danh mục. Chẳng hạn, một công ty muốn cung cấp dịch vụ đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, nhưng danh mục ngành nghề hiện tại không có ngành nghề này nên phải đăng ký một ngành nghề na ná, tương tự.
Quyền tự do kinh doanh nếu không bị giới hạn, sẽ thúc đẩy khả năng khác thác lĩnh vực mới của các nhà đầu tư tăng lên, cũng như bảo vệ quyền của chủ DN khi nghĩ ra ý tưởng kinh doanh. Ta thấy thế giới có vài trăm đến cả nghìn từ mới trong lĩnh vực kinh doanh mỗi thập kỷ. Trong nền kinh tế mạnh, phát triển nhiều dịch vụ, thì không tránh khỏi có nhiều nhiều ngành nghề mới từ nước ngoài du nhập hoặc và tự phát sinh từ nội bộ.
Nếu định vị tự do kinh doanh trong khuôn khổ một danh mục, thì sẽ cản trở sáng tạo trong tư duy kinh doanh của DN. Không chỉ vậy, nếu cơ quan đăng ký kinh doanh nhìn nhận cứng nhắc thì các cơ quan tư pháp và các cơ quan duy trì an ninh trật tự xã hội cũng sẽ ứng xử tương tự. Và nảy sinh vấn đề trách nhiệm hình sự như một số đại án như vừa rồi khi mà chủ DN có những hoạt động kinh doanh nằm ngoài những ngành nghề đã được đăng ký.
Hãy để quyền tự do kinh doanh thực sự là tự do và điều chỉnh qua các ngưỡng chặn mà không nên hạn chế trong một khuôn khổ một danh mục. Quyền tự do kinh doanh phải là “bầu trời”, chứ không nên chỉ nằm vẻn vẹn trong một “giếng” danh mục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo