Tin tức - Sự kiện

Tù mù sản phẩm bổ dưỡng

Được quảng cáo là có công năng đặc biệt, nhưng những sản phẩm yến sào, nhân sâm, nấm linh chi... được bán trên thị trường chẳng được kiểm soát về chất lượng, không rõ nguồn gốc, đang đánh đố người tiêu dùng.

Chỉ cần dạo quanh một số chợ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh như An Đông (Quận 5), Bình Tây (Quận 6)... khách hàng sẽ “hoa mắt” với các loại sản phẩm bồi bổ sức khỏe như tổ yến, nấm linh chi, nhân sâm, vi cá mập... được bày bán chung với tôm, cá khô.

 

Nấm linh chi chữa bệnh... ung thư (!?)

 

“Em tìm yến loại gì? Ở chỗ anh loại yến nào cũng có. Yến sào Khánh Hòa chính gốc còn dính lông và phân yến hẳn hoi” - anh H., một chủ sạp tại chợ An Đông, vồn vã mời chào khi thấy chúng tôi ghé xem hàng.

 

Theo lời anh H., tất cả các loại yến đang có trên thị trường từ huyết yến, hồng yến, bạch yến, yến vụn... đều có bán tại đây. Trong đó, huyết yến có giá cao nhất khoảng 4,3 triệu đồng/lạng, còn các loại yến khác từ 2,5-4 triệu đồng/lạng tùy loại, tùy chất lượng.

 

Tại một sạp đồ khô ở chợ An Đông khi chúng tôi muốn hỏi mua nấm linh chi, chị chủ sạp đem ra hai bịch nilông để giới thiệu, kèm theo màn quảng cáo khá ấn tượng: “Chỉ cần đem về xắt lát, hầm với nước nhiều lần có thể bồi bổ sức khỏe, người già mau hết bệnh, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí có thể chữa được cả bệnh... ung thư!”.

 

Mặc dù có công năng “đặc biệt” nhưng mỗi bịch chỉ có giá 500.000-600.000 đồng tùy loại Hàn Quốc hay Việt Nam.

 

Rảo qua các sạp, cửa hàng bán nấm linh chi, nhân sâm, khách hàng có thể “chóng mặt” vì đủ loại, giá cả chênh nhau hàng chục lần. Tại showroom trên đường Thăng Long (Quận Tân Bình), theo giải thích của nhân viên, chỉ tính riêng hồng sâm đã có đến năm, sáu sản phẩm từ dược liệu này như cao hồng sâm, nước hồng sâm, rượu hồng sâm, chế phẩm hồng sâm, kẹo sâm... với mức giá từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng/sản phẩm tùy loại.

 

Mập mờ nguồn gốc

 

Anh Thái Anh Tú (Quận Phú Nhuận), người từng nhiều lần mua nhân sâm cho người thân sử dụng, kể lại trường hợp mua phải sản phẩm nhân sâm dỏm dù đã khá cẩn thận khi xem hàng.

 

Theo lời anh Tú, trước khi quyết định mua hộp nhân sâm tẩm mật ong có giá 1,7 triệu đồng, anh đã đến cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10) tìm hiểu kỹ chi tiết nhãn mác từng hộp sản phẩm. Nhưng khi đem về nhà khui hộp mới té ngửa là nhân sâm Trung Quốc, ngoài thị trường có giá chỉ bằng một nửa.

 

Tương tự, chị Hòa (Phường 15, Quận Tân Bình) cho biết cũng bị dính quả lừa khi mua nấm linh chi Hàn Quốc. Qua tìm hiểu trên mạng, chị Hòa liên lạc với một cửa hàng đặt mua 10 hộp nấm linh chi nhãn hiệu Gold, được giới thiệu là nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá chỉ 600.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, sau khi đem hàng về sử dụng, chị Hòa mới phát hiện có cả tiếng Trung Quốc bên ngoài vỏ, liên lạc với nơi bán thì cửa hàng tuyên bố thẳng là “đã xem hàng trước khi mua rồi” để từ chối việc trả lại hàng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại nấm linh chi được bày bán tại các chợ An Đông, Bình Tây... chủ yếu có hai loại, trong đó loại nấm mũ lớn được giới thiệu có xuất xứ Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên, các chủ sạp đều trả lời chung chung là “được các mối bỏ hàng chứ cũng không biết cụ thể từ đâu!”, khi chúng tôi hỏi về loại nấm linh chi Hàn Quốc này. Còn loại nấm nhỏ hơn, được đóng gói trong các túi nilông, các tiểu thương cho biết là nấm... cổ, được lấy trên rừng!

 

Ngay cả một số đơn vị kinh doanh nấm linh chi Hàn Quốc khá lớn trên đường Thăng Long (Quận Tân Bình), Nguyễn Tri Phương (Quận 10)... hầu hết sản phẩm được bày bán đều không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi đơn vị nhập khẩu.

 

Các loại tổ yến bán tại các chợ và một số cửa hàng hầu hết được đựng trong bình thủy tinh lớn mà không hề có nhãn mác ghi nguồn gốc, công dụng sản phẩm, mặc dù vậy các chủ sạp đều khẳng định chắc nịch: “Tất cả đều là yến Khánh Hòa”.

 

Đa số là hàng nhập lậu

 

Thạc sĩ Cổ Đức Trọng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu - khẳng định nấm linh chi nhập hiện nay hầu hết là theo đường tiểu ngạch hoặc xách tay, chất lượng không được kiểm nghiệm. Sản phẩm được đóng gói có in chữ hoặc in hẳn chữ chìm trên nấm, nhưng không ghi rõ nơi sản xuất cũng như đơn vị nhập như các sản phẩm tiêu dùng khác.

 

Theo ông Trọng, bản thân người trong nghề cũng cần có kiến thức nhất định mới có thể phân biệt được nấm linh chi Hàn Quốc và Trung Quốc bởi chúng rất giống nhau.

 

“Hiện nay một số công ty rao bán linh chi trồng tại Việt Nam nhưng thực chất hầu hết là hàng Trung Quốc. Giá nấm linh chi Trung Quốc rất rẻ, chỉ khoảng 150.000 đồng/kg. Trong khi đó linh chi Việt Nam có giá cả dao động 300.000-1 triệu đồng/kg.Đặc biệt, linh chi Hàn Quốc có giá 1,5-2,5 triệu đồng/kg”.

 

Cũng theo ông Trọng, nhiều trường hợp người bán quảng cáo là “nấm linh chi tự nhiên” để nâng giá trị, nhưng thực tế lượng nấm tự nhiên không có nhiều.

 

Nhiều chuyên gia trong ngành yến sào khẳng định người tiêu dùng bị đánh lừa dù mua loại yến sào “có dính lông, phân yến” do công nghệ làm giả tinh vi của các đối tượng kinh doanh hàng gian.

 

Với các sản phẩm yến sào được bày bán tràn lan trên thị trường tự xưng là “yến sào Khánh Hòa”, đại diện Công ty TNHH MTV yến sào Khánh Hòa khẳng định đó là những sản phẩm giả mạo. “Chúng tôi có và công bố đầy đủ danh sách hệ thống đại lý, nhà phân phối trên website của công ty. Do đó, những sản phẩm không có bao bì, không ghi nguồn gốc xuất xứ đều không phải là hàng của công ty” - vị này nói.

 

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2012 đến nay cơ quan này đã phát hiện gần 30 vụ vi phạm trong kinh doanh các sản phẩm nhân sâm nhập khẩu, nấm linh chi, sản phẩm khô các loại... với hơn 11 tấn sản phẩm bị thu giữ do không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, riêng các sản phẩm nhân sâm, linh chi nhập khẩu vào khoảng 1 tấn, với lỗi vi phạm như nhập lậu, không có hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt...

 

 

Theo TT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo