Xã hội

Từ năm 2018, gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tới 10 năm tù

(DNVN) - Theo Luật Việt Nam, người gian lận bảo hiểm y tế; người trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… từ 2018 sẽ bị xử lý hình sự.

Thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa có tội danh tương ứng. Nhằm đáp ứng những yêu cầu liên quan đến phòng, chống loại tội phạm này, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số tội danh liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.

Từ năm 2018, gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tới 10 năm tù. Ảnh minh họa

Cụ thể, người lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định, chiếm đoạt từ 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 10 năm … tùy mức độ vi phạm.

Người phạm tội còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; Cấm đảm nhiệm chức vụ; Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. Tội này được quy định chi tiết tại Điều 215 BLHS 2015.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bổ sung thêm một tội danh liên quan đến kinh doanh bảo hiểm. Điều 213 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Luật số 12/2017/QH14) quy định, người nào thực hiện một trong những hành vi sau để chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên: Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, thì bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù đến 07 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền từ 200 triệu đến 07 tỷ đồng…

Nên đọc
Nguyễn Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo