Tin tức - Sự kiện

Từ nay đến năm 2016: 500 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Những bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện đầu tiên về công tác tại 62 huyện nghèo đã được Bộ Y tế bàn giao cho các tỉnh Tây Bắc sáng 21.2 tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Đây là những sinh viên y khoa tốt nghiệp loại khá, giỏi; hoặc có bằng thạc sĩ, chuyên khoa I trở lên; tâm huyết với công tác xã hội, đã có kinh nghiệm hoạt động nội trú tại các BV tuyến T.Ư trước khi về với vùng xa, vùng sâu. Vì thế, lực lượng này được kỳ vọng sẽ có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại vùng khó khăn.

Phó Chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng tiễn các bác sĩ trẻ đi về công tác tại vùng xa, vùng sâu.

Chỉ chọn những BS vừa giỏi, vừa tâm huyết

Nghĩa vụ của họ là làm việc ở vùng xa, vùng sâu tối thiểu 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ. Họ được tuyển dụng thành viên chức của BV trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo thạc sĩ trong thời gian 18 tháng. Trong thời gian đi tình nguyện, họ được trả lương và phụ cấp, hưởng các chế độ ưu đãi tại địa phương và được vinh danh. Sau 2 - 3 năm, họ trở về BV thuộc bộ đã tuyển dụng nếu đảm bảo được các yêu cầu chuyên môn, nếu không, họ phải bắt đầu lại từ đầu hành trình tìm việc làm khó khăn. Vì yêu cầu khắt khe như vậy nên tiêu chuẩn đầu vào không dễ dàng. ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - cho biết: “Trong số 78 hồ sơ nộp đi tình nguyện, đợt đầu tiên mới chỉ có gần 10 BS đáp ứng được yêu cầu của các BV tuyến T.Ư như BV Bạch Mai, BV Nhi T.Ư, BV Phụ sản T.Ư để được tuyển dụng”.

BS Phạm Mạnh Toàn (25 tuổi) tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, từng công tác tại BV Sản Nhi Ninh Bình đã được BV Phụ sản T.Ư tuyển dụng trước khi đi tình nguyện tại BV huyện Mù Cang Chải. Ngày 20.2, khi vừa đến vùng đất xa nhất của tỉnh Yên Bái này, ngay lúc 2h30 chiều, BS Toàn đã bắt tay vào thực hiện ca mổ đầu tiên cho một sản phụ 31 tuổi bị chửa ngoài tử cung. Ca mổ kết thúc thành công vào lúc 7h tối.

Theo BS Toàn, thời gian 3 năm trước mắt sẽ là một thử thách đối với tất cả mọi thanh niên đi tình nguyện. Điều đầu tiên mà BS phải học được là tiếng địa phương mới có thể giao tiếp và thăm khám cho bệnh nhân. Vốn được đào tạo chuyên khoa Sản, nhưng BS Toàn sẽ phải tiếp tục học thêm về chuyên khoa Ngoại để có thể đáp ứng với nhu cầu khám - chữa bệnh thực tế. Sau 18 tháng học tập, BS sẽ phải thực hiện được 15 danh mục kỹ thuật được đưa ra trong khung đào tạo.

Theo BS Vũ Quý Hợp - người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác chỉ đạo tuyến tại BV Nhi T.Ư - cho biết: Khi đi xa 2 - 3 năm như vậy, các BS sẽ không có điều kiện hằng ngày được cọ sát nhiều với khám - chữa bệnh như khi ở BV T.Ư hay tỉnh. Vì thế, cả về phía BV và các BS này cần có sự trao đổi, hỗ trợ thường xuyên để sau khi trở về BV được tuyển dụng, họ không bị “khớp” với guồng máy làm việc ở những BV tuyến T.Ư và tỉnh.

62 huyện nghèo còn cần tới 600 BS
 
Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ Y tế thí điểm đưa BS trẻ về 62 huyện nghèo. Trước mắt, sẽ tập trung đào tạo BS thuộc 7 chuyên khoa Nội nhi, Hồi sức cấp cứu nhi, Ngoại sản, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh... nhằm giảm tải cho BV tuyến T.Ư. Những BV tuyến huyện được lựa chọn đưa BS trẻ về cũng là nơi có cơ sở vật chất nổi trội hơn trong vùng khó khăn để các BS trẻ có công cụ hành nghề thuận lợi hơn. 62 huyện nghèo cho biết họ đang cần 600 BS, trong đó có 340 BS chuyên khoa I. Tâm huyết với đề án đưa BS trẻ về vùng khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngay trong quý I/2014, Bộ Y tế sẽ trình Bộ Chính trị đề án ưu tiên trái phiếu chính phủ cho các huyện nghèo, xây dựng nâng cấp trạm y tế khó khăn tạo điều kiện cho thầy thuốc trẻ làm việc, cống hiến.
 
Tại lễ bàn giao các BS, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã hoan nghênh lòng nhiệt tình của các BS trẻ và đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng các chính sách như tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, công nhận các danh hiệu thi đua, học vị, chức danh khoa học nhằm thu hút, tạo động lực cho cán bộ y tế làm việc hiệu quả tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Theo đề án từ nay đến năm 2016, Bộ Y tế sẽ triển khai 500 BS trẻ, tình nguyện về 20 tỉnh khó khăn. Sau giai đoạn I, Bộ Y tế sẽ rút kinh nghiệm làm cơ sở giai đoạn tiếp theo. Cùng với đề án 1816, BV vệ tinh, dự án này được kỳ vọng là bước đột phá, tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân vùng còn khó khăn.

 

Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo