Từ người tù nhí đến tỉ phú nhà rường
Nhớ lại cái ngày cách đây mười năm khi toà tuyên án đứa con trai Nguyễn Phạm Thiên Huy mới 16 tuổi của mình vào tù vì hành vi trấn lột tiền của một đứa trẻ, cô Hải Đường vẫn không khỏi xúc động. Nhìn con rưng rưng nước mắt khi bị giải đi, cô gần như quỵ ngã nhưng vẫn cố gắng không rơi một giọt nước mắt nào trước mặt con. Cô muốn mình thật rắn rỏi làm chỗ dựa cho con.
Hàng ngày cô đều viết thư bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào sự phục thiện của con: “Con là tất cả niềm hạnh phúc của mẹ. Mẹ không mặc cảm về con đâu. Mẹ luôn tin con là người có bản lĩnh mạnh mẽ và nhất là biết phục thiện”. Cô còn cẩn thận dặn dò “con ăn nói phải từ tốn, giữ tác phong đúng đắn, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh và biết thương những người đồng cảnh ngộ”. Người mẹ ấy nhớ cả những cái nhỏ nhất của con: “Mấy hôm nay trời nóng quá, không biết con ở trong phòng có bí lắm không. Mẹ lo cho con quá… Con đừng nặn mụn nữa mà lây cả mặt, hôm ra gặp mặt mẹ thấy có hai nốt đỏ, mẹ quên dặn con”.
Cứ đến ngày thăm nuôi, người mẹ không chỉ gởi cho con từng hộp ruốc thịt, gói bánh tự tay mình làm, mà còn gửi cả những quyển sách, tờ báo để con mở mang kiến thức.
Không phụ lòng tin của mẹ
Huy bị bắt khi đang là học sinh lớp 9 trường trung học cơ sở Nguyễn Du. Sau sáu tháng ra khỏi trại, sợ con phải đối mặt với sự kỳ thị, soi mói của người xung quanh vì mang bản lý lịch đen, gia đình xin cho Huy vào học ngành máy nổ tại trường trung cấp nghề Huế (nay là cao đẳng nghề Thừa Thiên – Huế). Để cha mẹ vui lòng, Thiên Huy cũng đến trường nhưng ngành máy nổ lại không hợp với con người có thiên hướng nghệ sĩ như Huy – có lẽ Huy giống mẹ bởi cô Hải Đường là nghệ nhân làm tranh mảnh sành sứ của Huế.
Gia đình vốn có truyền thống mua bán nhà cũ, trong đó có những cột kèo của các căn nhà rường được người ta tháo dỡ từng bộ phận để đem bán. Nhìn những cột kèo được chạm trổ tinh xảo vẫn còn vương nét thời gian được tháo xuống từ những căn nhà mục nát rồi được bán sang tay với giá rẻ mạt, Huy thấy tiếc và ấp ủ ý muốn phục dựng nhà rường.
Một ngày, Thiên Huy bàn với gia đình sẽ “tầm sư học đạo” các thợ nhà rường Huế xưa để tìm cách phục dựng nhà rường hoàn chỉnh, sau đó mới bán lại để kiếm lời nhiều hơn.
Bất ngờ trước đề nghị của Thiên Huy nhưng nhìn vào ánh mắt đầy nghị lực của con, vợ chồng cô và các anh chị của Huy quyết định góp sức, góp của cho chàng trai này bước vào mày mò khám phá phục dựng nhà rường.
Trái ngọt cho mẹ và con
Với nghị lực phi thường, chỉ sau hai năm, từ một người thợ với số vốn ít ỏi của gia đình góp sức, Nguyễn Phạm Thiên Huy trở thành một ông chủ xưởng mộc với số vốn hàng chục tỉ đồng và nay đã được “nâng cấp” thành công ty gia đình với tên gọi Thiên Ấn.
Tài năng làm nhà rường của Huy nổi tiếng khắp cả nước, nhất là sau khi khu nhà rường Tịnh tâm kim cổ của chủ tiệm vàng Duy Mong ở đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Huế, khai trương trong dịp Festival Huế 2008. Tịnh tâm kim cổ đã vượt lên những khu nhà rường bình thường mà Huy từng dựng nên, được giới chuyên môn và du khách tham quan đánh giá rất cao về những nét chạm khắc rồng phụng tinh xảo và bố cục không gian hài hoà. Tiếng lành đồn xa, nhiều “đại gia” từ khắp nơi đã tìm đến công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ấn đặt hàng với nhiều hợp đồng tiền tỉ.
Đến thời điểm này, xưởng phục chế nhà rường của Huy đã phục dựng được hơn 100 ngôi nhà rường mang đi các tỉnh. Trung bình mỗi hợp đồng phục dựng nhà rường, anh kiếm tiền công cả trăm triệu, thậm chí bạc tỉ. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ấn đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức lương 4 – 8 triệu đồng/tháng và các lao động thời vụ khác tuỳ vào số đơn đặt hàng. Một điều đặc biệt là trong số những người thợ của công ty, có người từng ngồi tù cả chục năm, và có những người tàn tật bởi như Thiên Huy nói, “mình thành công cũng muốn người khác thành công”.
Đứa trẻ từng là “đại ca nhí” ngày nào nay đã trở thành một người thành đạt khi mới bước vào tuổi 26. Trái ngọt của thành quả này chính là nỗ lực của Thiên Huy và người mẹ luôn tâm niệm: “Tôi không dạy con kiếm tiền thật nhiều mà dạy con sống phải nhân văn và có nghị lực”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc