Từ phạm nhân lên thứ trưởng- Kỳ I: Ông Phan Phệ
Nhiều người biết ông Nguyễn Đức Phan qua công việc, trong giao tiếp và cả trên truyền hình, với tư cách là thứ trưởng suốt 16 năm. Nhưng có lẽ ít người biết, thời làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6, Mông Dương, Quảng Ninh, ông từng bị tòa án xét xử, tuyên phạt mười tám tháng tù giam.
Con người dễ ăn dễ ngủ
Từ thời làm lò ở Mông Dương, cách đây mấy chục năm, tôi đã biết ông Phan. Khi ấy ông đang là Thứ trưởng Bộ Mỏ&Than, khi nhiều lần ông xuống kiểm tra tình hình xây dựng mỏ than Mông Dương, tỉnh Quảng Ninh, với dáng vẻ to béo, đường bệ.
Mỗi khi ông đi lò, các chị nhà đèn (nơi quản lý, nạp điện vào đèn ắc quy cho công nhân làm ciệc trong hầm lò), phải nối thêm một đoạn dây vào dây đeo đèn mới néo qua được vòng bụng của ông. Bộ bảo hộ ông mặc, dù chọn số to nhất, mấy cúc dưới vẫn không cài nổi. Công nhân mỏ gọi ông là Phan Phệ.
Từ dưới hầm lò lên, quần áo ướt sũng, mặt loang lổ bụi than, ông tháo ủng kê ngồi bên nồi cháo, rồi cười hơ hơ, rồi nói chuyện râm ran, bỗ bã với thợ lò. Chị cấp dưỡng cẩn trọng lau bát, ông bảo, tay ông đang bẩn hơn bát, không phải lau.
Rồi ông khen nồi cháo ngon. Đó là nồi cháo tiêu chuẩn bồi dưỡng độc hại cho công nhân hầm lò thời bao cấp, được các chị cấp dưỡng gánh ra đặt trước cửa lò. Nồi cháo to, trong đó lổn nhổn bạc nhạc, xương ống. Ông Phan bê bát cháo húp một tua. Miếng xương trơ ra, ông nhón tay đưa lên gặm, mút tủy chùn chụt.
Thời bao cấp thiếu đói, cơm độn mì, độn mạch, cá mắm, mọi người vêu vao, ông Phan vẫn béo tốt, đường bệ. Kể cả khi ra tù, người ta vẫn thấy ông phệ như thế, chẳng ngót chút nào. Có lẽ, cái sự phệ của ông nhờ ở nết dễ ăn, dễ ngủ. Cơm xâu xấu cũng được, miễn là.nhiều.
Vào khu tập thể, chúng tôi mời ông ăn khoai tây, ăn mít, ông chẳng nề hà.
Mấy chị cấp dưỡng kể, thời chỉ huy sản xuất ở Mông Dương, ông cũng ở tập thể. Hôm nào xí nghiệp làm cơm đãi khách, thức ăn thừa, các chị nhà khách định mang đổ, ông ngăn lại: “Ấy, phí! Mang về cho con nó ăn.
Đun kỹ, chẳng vi trùng nào sống được dưới bếp lò”. Nói đoạn, ông gói thức ăn thừa vào giấy báo, ấn vào làn các chị. Còn lại mấy miếng xương, ông lèn vào bát ô tô cơm nguội. Mấy chị cấp dưỡng nhìn ông vẻ e ngại. Ông cười hơ hơ, rồi rằng: “Anh hay làm việc khuya. Đêm đói lắm. Thứ này bỏ vào xoong, cắm điện là thành cháo, hơ hơ…”
Khi chuyển lên Bộ, mỗi lần về Mông Dương công tác, biết sở thích của ông là thịt chó, gì thì gì, văn phòng phải chuẩn bị những thứ khoái khẩu ấy đãi ông và chuẩn bị nồi cháo dự phòng, để đêm làm việc khuya, ông có cái lót dạ.
Cái sự ngủ của ông cũng thật đơn giản. Thời ở khu tập thể Mông Dương, giường đơn gỗ tạp, mọt nghiến cót két, chẳng sao. Có thời, ông và Chước (cán bộ cùng Xí nghiệp) chuyển vào sống trong hầm đựng thiết bị. Nóng bức ngột ngạt thế mà ông cũng chẳng ngót cho. Con người dễ ngũ đến lạ. Lên xe là kéo gỗ.
Đang dự họp, thấy vấn đề không quan trọng, ông vẫn tranh thủ chợp mắt. Một lần, ông về dự họp tổng kết ở Công ty Xây lắp Cẩm Phả (nay là Công ty Than Dương Huy), với tư cách là Thứ trưởng Bộ Mỏ&Than, không hiểu vô tình hay cố ý, ông phó nháy đã chộp được hình ảnh ông Phan ngồi ngay hàng ghế đầu, đang.thiu thiu! Bức ảnh này sau được đăng trong cuốn sách "30 năm Công ty Than Dương Huy". Sách do NXB Lao động ấn hành năm 2008.
|
Bây giờ, mỗi khi nhắc đến ông, các bác thợ ở Mông Dương đều kể nhiều chuyện về đức tính giản dị, dân dã, gần gũi của ông với sự quý trọng. Rồi người ta còn kể chuyện thời ông đi tù; rằng, ở tù, ông xây nhà giam để ...giam ông! Trong tù, ông cai quản hàng chục phạm nhân, thuốc lá Điện Biên bao bạc, chè tầu, đường sữa dùng thả phanh.
Rằng, trong tù ông từng chạm trán với Tướng SS- biệt danh của tên lưu manh khét tiếng ở vùng mỏ thời đó. Ra tù, ông trở lại nơi ông phạm tội, phấn đấu được bổ nhiệm lại làm Phó Giám đốc Xí nghiệp, rồi Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty; sau đó được Bộ tín nhiệm, điều về Bộ, làm Trưởng phòng, Cục phó, Cục trưởng, rồi Thứ trưởng, v.v.
Giờ đây tôi tìm đến nhà riêng của ông. Ngôi nhà nằm cuối ngõ 155 hun hút, đường Bạch Đằng, Hà Nội. Cuối thu, gió heo may xơ xác. Dòng sông Hồng đầu ngõ nhà ông vàng rực trong nắng xế. Thoạt tiên, ông có vẻ ngạc nhiên về sự đường đột của tôi.Tôi tự giới thiệu, tôi cũng từng tham gia xây dựng Mỏ Mông Dương.
Ông tỏ ra vui mừng rồi hỏi tôi làm năm nào, có biết anh Nghinh không, anh Nguyên Thọ không, anh Minh Phương không... Tôi bảo, biết. Đó là những người đầu tiên xây dựng Mỏ Mông Dương. Với ông Nguyên Thọ, tôi còn biết kỹ, từ thời tôi còn làm ở Nhà xuất bản (NXB) Lao động, do ông Nguyên làm làm Giám đốc…
Nom ông Phan ngót hơn thời đương chức, chậm chạp hơn, nói cũng chậm. “Tôi nhiều bệnh lắm. Nào tiểu đường, huyết áp, rối loạn tiền đình”. Nói đoạn, ông bê cốc nước sền sệt nhấp từng ngụm. Nhác qua, tôi biết đó là thứ thực phẩm chức năng dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Nhìn cử chỉ chậm chạp của ông, tôi chợt nhớ đến nồi cháo năm nào, bèn hỏi:
- Lâu bác có về Mông Dương không?.
- Thỉnh thoảng tôi có về. Dưới ấy chúng tôi có câu lạc bộ những người xây dựng Mỏ Mông Dương, sinh hoạt hàng năm. Hoặc anh em có công to việc lớn, chúng tôi đều đến với nhau.
Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về vụ việc khiến ông phải vào tù, ông nói:
- Vụ việc này tôi có được chứng kiến đâu! Anh nên gặp các bác là lãnh đạo Công ty Công ty Xây dựng Than-Điện thời đó, như bác Lang Đen (ông Nguyễn Văn Lang, nguyên là Giám đốc Công ty), bác Nguyễn Châu (nguyên Phó Giám đốc). Các bác ấy là những người trực tiếp quản lí tôi. Riêng bác Nguyễn Châu chứng kiến vụ việc từ đầu. Khi tôi ở tù, tháng nào bác ấy cũng vào thăm; khi tôi ra tù, bác ấy đưa xe vào trại giam đón. Rồi các anh công nhân cùng làm với tôi ở Mông Dương, như anh Phan Đào Nguyên, anh Minh Phương…đều biết chuyện tôi vào tù. Các bác, các anh ấy đang ở Hà Nội cả đấy.
...Để thực hiện bài viết này, tôi đã tìm gặp những người trực tiếp quản lí ông, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội và xuống Quảng Ninh gặp những công nhân từng làm việc với ông, nay có được một số tư liệu, xin được kể lại.
Anh cả bị …cặm
Ông Phan là người đầu tiên trực tiếp chỉ huy khôi phục, xây dựng mỏ Mông Dương. Theo một số tài liệu chúng tôi khai thác được, thực dân Pháp xây dựng và khai thác Mỏ than Mông Dương từ năm 1934 (có tài liệu ghi Công ty Than đá Bắc kỳ FSCT của Pháp khai thác Mỏ Mông Dương từ năm 1917. Có thể lúc đó người Pháp chỉ khai thác phần trên, đến năm 1934 mới đào giếng đứng?).
Để chuẩn bị khôi phục và xây dựng mới mỏ Mông Dương, năm 1967, Bộ Điện-Than tuyển chọn 104 công nhân, cán bộ ưu tú của các mỏ, sang Liên Xô thực tập nghề xây dựng mỏ hầm lò bằng công nhệ giếng đứng. Đoàn do nhân vật chính của bài ghi chép này, ông Nguyễn Đức Phan, khi đó là Phó phòng Thi công, Công ty Xây dựng Than-Điện, làm trưởng đoàn.
Ông Phan Đào Nguyên, nguyên Giám đốc NXB Lao động, nhiều năm là quân của ông Phan, kể: “Trước đây và cả bây giờ, anh em trong đoàn thực tập sinh ở Liên xô năm ấy đều coi anh Phan như anh cả vậy.”
Ông Phan Đào Nguyên, tiếp: “…Tôi biết anh Phan từ ngày còn làm thợ lò ở Mỏ Hà Lầm. Ngày ấy, anh Phan mới đi học ở Liên Xô về nước mấy năm, mà đã là Quản đốc Công trường 38 Mỏ Hà Lầm. Là quản đốc, chui lò suốt ngày nhưng nom anh ấy thư sinh, trắng trẻo, đẹp trai chứ không phệ như những năm sau này. Tôi nhớ, có lần anh ấy mặc bộ bảo hộ, đội mũ lò, đi ủng, nói tiếng Nga như gió với mấy ông Tây.
Ông Phan Đào Nguyên, nguyên Giám đốc NXB Lao động |
Trời ơi, sao quản đốc hầm lò mà có người thư sinh đến vậy! Anh ấy mặc bảo hộ lao động vẫn toát lên vẻ cao sang. Sau này, tôi được đi thực tập sinh với anh ấy ở Liên Xô, được tiếp xúc nhiều với anh ấy, mới biết, anh ấy xuề xòa lắm; chẳng mấy khi ăn diện, chải chuốt. Vậy mà mấy em tây quý mến anh ấy ra mặt. Gặp chúng tôi, các em thường khen anh ấy đẹp trai quá, vui tính quá, nói tiếng Nga như người Nga.
Ngày ấy, việc quản lí lưu học sinh nước ngoài nghiêm lắm. Nội quy quy định, đi đâu cũng phải có hai người; mua sắm gì phải khai báo. Anh Phan là trưởng đoàn, phụ trách bốn đội, chẳng biết có phải lòng em nào không nhưng nom có vẻ nghiêm chỉnh. Anh ấy không hút thuốc lá, không ham rượu chè. Nhưng khi vui với anh em, anh ấy cũng tẹt ga đấy. Trong các món khoái khẩu, anh ấy đặc biệt thích thịt chó và lòng lợn tiết canh.
Có lần tôi và anh Minh Phương (ông Hà Quang Minh, vợ tên là Phương, hiện sống ở phòng 406, nhà CT6, khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) làm thịt con chó, mời anh Phan đến. Anh Phan là sếp nhưng, ở tập thể, sinh hoạt tùm lum với anh em, còn tôi với anh Minh Phương làm nhà ở riêng. Bữa ấy, ai cũng liêng biêng. Chúng tôi ôm nhau hát những bài hát Nga. Mắt anh ấy long lanh. Gương mặt hồng rực lên. Tôi nhắc tới mấy cô gái Nga, ghé tai anh bỗ bã: “Cái cô Anna ấy, nom xinh quá. Bác chén chưa?”. Anh phát vào mông tôi: “Cái thằng…Tao mà vớ vẩn, no đòn”.
Điều chúng tôi kính trọng, cảm phục nhất ở anh Phan là chuyên môn rất giỏi; kiến thức uyên bác. Khi chúng tôi về nước, nhận nhiệm vụ khôi phục mỏ Mông Dương và xây dựng mỏ mới, Mông Dương là khu rừng hoang vu. Chúng tôi phải chặt cây, làm nhà để ở. Giếng chính Mông Dương, do người Pháp đào và khai thác, bỏ hoang lâu ngày, lúc này ngập nước, cây cối um tùm. Việc khôi phục giếng cực kỳ phức tạp.
Đoàn đi thực tập sinh ở Liên Xô, sang bên ấy chỉ thực tập xây dựng mỏ bằng giếng đứng, chứ có thực tập cải tạo giếng cũ như thế này đâu. Trong đoàn mỗi anh Phan có bằng kỹ sư, còn lại là trung cấp, công nhân kỹ thuật và cũng chưa ai biết khôi phục giếng như thế nào cả.
Rồi dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của anh Phan và sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, giếng chính được khôi phục thành công, an toàn. Việc đào giếng phụ cũng là công việc mới mẻ và phức tạp. Phải là người rất giỏi chuyên môn, sáng tạo và táo bạo, mới chỉ đạo thành công những việc phức tạp mới mẻ như thế”.
Ông Phan mô tả cái sự phức tạp của việc cải tạo giếng chính như thế này: Giếng chính được cải tạo theo các công đoạn bơm nước, cắt, phá bỏ toàn bộ hệ thống thiết bị của giếng cũ, chỉ sử dụng vỏ giếng; lắp đặt lại hệ thống thiết bị mới. Các công đoạn đều rất nguy hiểm, bởi giếng bỏ hoang lâu ngày, nguy cơ khí độc, nổ khí, bục nước, v.v., có thể xảy ra. Ngày 31/5/1937, người Pháp để xảy ra một vụ nổ khí mê tan ở giếng Mông Dương, làm chết nhiều người.
Hệ thống khai thác do người Pháp để lại, gồm giếng chính, và nhiều đường lò ở mức âm 97,5 mét. Lượng nước bị ngập trong hầm lò và giếng chính không ai tính được, nhưng ước tính hàng triệu m3. Việc bơm nước, phải sử dụng máy bơm công suất lớn nhưng không thể đặt máy bơm trên miệng giếng để bơm như giếng nước ăn, mà phải bơm nước thông qua lỗ khoan đường kính lớn, song song với giếng chính. Bây giờ, việc khoan những lỗ khoan đường kính lớn không mấy khó khăn nhưng, ngày đó, để khoan lỗ khoan ấy sâu tới âm 97,5 mét, là cực kỳ phức tạp.
Công đoạn cắt bỏ, phá dỡ thiết bị cũ, lắp đặt thiết bị mới trong lòng giếng cũng rất phức tạp. Ông Phan nói: “Bác Minh (bác Minh là ai, xin được giới thiệu sau) là người có công lớn trong việc hàn nối các thiết bị trong giếng chính. Bác ấy là thợ cơ khí từ thời Pháp. Công nhân mỏ gọi bác ấy là bác Minh Rèn nhưng, trong lĩnh vực cơ khí, nghề gì bác ấy cũng rất giỏi chứ không phải riêng nghề rèn”
Thời làm thợ lò ở Xí ngiệp Xây lắp Mỏ Mông Dương (sau đây gọi tắt là XN Xây lắp 6), người viết bài này rùng mình khi nghe những người trực tiếp khôi phục giếng chính năm ấy như bác Vũ Hồng Nghinh (sau này là Giám đốc Xí nghiệp); bác Vũ Hồng Khanh (sau này là Bí thư Đảng ủy XN), bác Đậu Đen, bác Tân,v.v.
Chuyện rằng, sau khi bơm cạn giếng, mặc dù được thông gió và có các biện pháp an toàn cho các công đoạn tiếp theo, dường như ai cũng hoảng. Bởi, trong khoảng không gian hun hút, há hoác, đen ngòm ấy, thực dân Pháp để lại thứ gì dưới ấy?
Quả nhiên, sau mấy tháng trời, hút hàng chục triệu m3 nước, những người thợ ở đây đã tìm thấy nhiều đầu lâu người, xương ống, xích sắt, còng sắt vùi trong hàng triệu khối bùn đen. Có tin rằng, đây là hài cốt những chiến sỹ cách mạng vô danh, bị thực dân Pháp còng tay, thả xuống giếng (?). Một số hiện vật nay đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh.
Kỳ II: “Ai bốc cặm cho ông Phan” Sau khi ông Phan bị cặm, gần một trăm cán bộ công nhân mỏ làm đơn, đề nghi giải oan cho ông, người vốn là cháu đồng chí Hà Thị Quế, khi đó là ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kiểm tra Trung ương. Cặm là gì? Ai cứu được ông Phan? Mời bạn đọc xem tiếp |
Ông Phan Đào Nguyên tiếp: “Chúng tôi coi anh Phan như anh cả còn ở tính quần chúng, gần gũi thân ái với anh em; biết nhìn nhận, đánh giá năng lực sở trường của từng người, để bố trí phân công việc phù hợp với năng lực sở trường của họ. Trước khi sang Liên Xô, tôi được tổ chức phân vào học nghề khai thác, vì tôi nguyên là công nhân khai thác ở Mỏ Hà Lầm.
Nhưng khi tập trung, nhìn thấy tôi, anh ấy nói ngay với mấy anh tổ chức: “Thằng này nhỏ con, có vẻ nhanh nhẹn, không làm thợ khai thác lâu dài được, đề nghị các anh cho học vận hành máy nâng”. Nhìn thấy anh Ngô, to con lừng lững, anh Phan lại bảo: “Thằng này học vận hành, phí! Đề nghị các anh chuyển nó sang học khai thác”.
….Một con người tài giỏi, đức độ như anh Phan mà bỗng nhiên bị cặm, phải vào tù, anh em chúng tôi khi ấy thật sự choáng váng”.
(Còn nữa...)
Ghi chép của Cao Thâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo