Tư vấn pháp luật

Cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử phải nộp thuế ra sao?

Theo ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trong thương mại điện tử (TMĐT), đối với trường hợp là cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ, cung cấp sản phẩm trên trang mạng xã hội và nhận được tiền thù lao từ các nhà mạng phải nộp 7% thu nhập từ nguồn này, gồm 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng.

COVID-19 định hình 4 xu hướng mua sắm trực tuyến mới / Facebook Shops - Đối thủ nặng ký của "ông trùm" thương mại điện tử Amazon

Đối với những cá nhân kinh doanh trên Facebook, Google hoặc những hoạt động tương tự như sản xuất phần mềm trò chơi điện tử cũng sẽ phải khai và nộp thuế như trên.

“Khi các cá nhân hợp tác với trang mạng xã hội, họ cũng sẽ đưa lên các ứng dụng trò chơi điện tử, các clip hoặc các nội dung khác mang tính giải trí, các nhà mạng Google, Facebook sử dụng các sản phẩm này để cung cấp cho người dùng và thu hút quảng cáo. Do đó phải đăng ký, kê khai và nộp thuế”, ông Viên Viết Hùng cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, khó khăn nhất của cơ quan thuế là thu thập những tài khoản có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua rà soát cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 1.194 tài khoản tham gia hoạt động TMĐT, với tổng thu nhập 3 năm trở lại đây khoảng 4.800 tỷ đồng. Về cơ bản, theo phương pháp thu thập thông tin dữ liệu của Cục Thuế Hà Nội, nếu còn sót lại các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT chưa được đưa vào diện theo dõi, quản lý thì không đáng kể. Vì số cá nhân được theo dõi, đưa vào diện quản lý thuế chiếm trên 90%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế để họ biết và chủ động đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người nộp thuế không tự giác thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế sẽ thực hiện bước thứ hai, đó là tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Khi đó, người nộp thuế sẽ không có quyền tự kê khai và nộp thuế nữa, mà sẽ bị truy thu, xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế. Khi cơ quan thuế đã thanh tra, có quyết định truy thu, xử phạt mà người nộp thuế vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ thuế, thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan như công an để buộc người nộp thuế phải chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã xử lý được trên 30 trường hợp với số tiền thuế truy thu, phạt là 18 tỷ đồng. “Hiện vẫn có trường hợp cá nhân chưa tuân thủ quyết định này của cơ quan thuế. Cơ quan thuế đang thực hiện bước thứ ba, phối hợp với cơ quan chức năng để buộc người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khẳng định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm