Marcom

Phát triển thương mại điện tử: Tập trung khắc phục điểm yếu

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam đã và đang có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu… đang là những trở ngại. Để khắc phục những điểm yếu này, ngày 15/5/2020...

Nhiều cơ hội tăng trưởng cho thương mại điện tử mùa dịch COVID-19 / Thương mại điện tử trở thành 'cứu cánh' của ngành bán lẻ

Một doanh nghiệp giới thiệu mua sắm trực tuyến tại Ngày hội Online Friday.

Những thách thức

Thị trường thương mại điện tử đang có sự phát triển mạnh mẽ. Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cho biết, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng trực tuyến (online) tăng lên đỉnh điểm. Còn kết quả khảo sát của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ ngày 19/3 đến 19/4/2020 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến cho biết sẽ tăng mua hàng trực tuyến; chỉ có khoảng 10% ý kiến không tin tưởng vào thương mại điện tử… Tại nước ta, với 59,2 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 1/2 dân số cả nước) và được dự báo sẽ tăng lên 68 triệu người vào năm 2021, thị trường thương mại điện tử có tiềm năng rất lớn.

Thương mại điện tử đang dần khẳng định vai trò không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lê Xuân Sang nhận định: “Thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công và quảng cáo, tiếp cận tới khách hàng; mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng, đặc biệt là thời gian thực hiện giao dịch không giới hạn đối với tất cả khách hàng...”.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ, ngoài kênh truyền thống, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm khóa Việt - Tiệp qua nhiều kênh trực tuyến, như mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử. Khẳng định vai trò quan trọng của thương mại điện tử, song ông Lương Văn Thắng cũng chỉ ra những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Đơn cử như tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến đã làm mất uy tín doanh nghiệp, mất niềm tin của người tiêu dùng...

Chung quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa đảo người tiêu dùng như giao hàng kém chất lượng, không đúng với sản phẩm được quảng cáo. Chưa kể, chếđộ chăm sóc khách hàng thiếu chuyên nghiệp, chậm trễ trong giải quyết khiếu nại, giao hàng… cũng là những vấn đề cần giải quyết.

 

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, chỉ tính trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn..., Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã xử lý khoảng 11.450 gian hàng và 26.400 sản phẩm vi phạm. Số lượng các gian hàng và sản phẩm vi phạm được các sàn thương mại điện tử xử lý, gỡ bỏ thời gian gần đây đã giảm hẳn so với trước. Sai phạm chủ yếu là không niêm yết giá, giao hàng không đúng quảng cáo.

Người tiêu dùng chọn mua hàng từ một trang thương mại điện tử.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm; riêng doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp - người tiêu dùng tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử, như thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%...

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục điểm yếu, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thương mại điện tử toàn diện trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương...

“Trước mắt Bộ Công Thương yêu cầu, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đúng quảng cáo...”, ông Đặng Hoàng Hải thông tin.

 

Theo Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) Lê Đức Anh, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao dịch bảo đảm uy tín, từ xác thực thông tin, xử lý tranh chấp, khiếu nại… Qua đó xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong thương mại điện tử.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, bên cạnh việc thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho thương mại điện tử…, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đấu tranh với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia được gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và các ngành dịch vụ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm