Tư vấn pháp luật

Gian lận kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Chấm dứt hợp đồng đã 11 tháng, có được trợ cấp thất nghiệp? / Truy thu thuế hộ kinh doanh thu mua sầu riêng là đúng hay chưa đúng?

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định tại Nghị định này bao gồm: Hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, thăm dò, khai thác dầu khí; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí và các hành vi khác được quy định cụ thể tại Nghị định này.

Vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt tiền tới 200 triệu đồng.
Vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt tiền tới 200 triệu đồng.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.

Bên cạnh đó, ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất xăng dầu, nguyên liệu sản xuất xăng dầu, khí…

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm