Tư vấn pháp luật

Luật phá thai ở Việt Nam nghiêm ngặt tới mức nào so với thế giới?

Thực tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia mà việc phá thai được pháp luật đồng ý. Trong khi đó, ở một số nơi trên thế giới, hành động này sẽ bị phạt tù rất năng.

Ai có quyền sử dụng đất ông bà để lại? / Người lao động cách ly tại nhà, công ty có phải trả lương?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phá thai là một chủ đề gây tranh cãi trong suốt lịch sử xã hội loài người về các cơ sở tôn giáo, đạo đức, luân lý, thực tiễn và chính trị. Phá thai thường xuyên bị cấm và nói cách khác phá thai bị luật pháp giới hạn. Tuy nhiên, phá thai vẫn tiếp tục phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, ngay cả nó bất hợp pháp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ phá thai tương tự nhau ở quốc gia nơi các thủ tục là hợp pháp và ở quốc gia khác là không, do không có biện pháp tránh thai hiện đại ở những nơi phá thai là bất hợp pháp.

Trên thế giới, quy định về phá thai đã được ban hành và có hiệu lực trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu từ LHQ, hơn 97% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, hơn 50% các quốc gia cho phép phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép phá thai khi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ khoảng 34% các quốc gia các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế-xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu.

Việt Nam: Không được phép loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, hoặc đã quá tuần tuổi quy định

Tại Việt Nam, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: "Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác" là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số, trẻ em được quy định trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Theo các quy định trên, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với hoạt động nạo phá thai không đúng quy định pháp luật:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
5. Phạt tiền từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây
a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính".
Nói cách khác, nếu người nạo phá thai không vi phạm các điều cấm của pháp luật về việc phá thai vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hành động nạo phá thai sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và nguy hiểm hơn là tính mạng của người phụ nữ. Việc phá thai phải được thực hiện ở những cơ sở y tế hợp lệ và có giấy phép của nhà nước, chứ không phải có thể phá thai ở bất cứ nơi nào, bằng bất cứ cách gì.





Mỹ: Có Bang cấm phá thai, bác sĩ bị phạt tới 99 năm tù nếu tiếp tay

 

Tại Mỹ, việc phá thai đã được các nhà làm luật quy định nghiêm ngặt chặt chẽ, đề ra nhiều biện pháp để giới hạn quyền được phá thai như việc phá thai phải được chuyên gia tư vấn, chỉ được phá thai theo yêu cầu với thai ở một độ tuần tuổi nhất định… Tùy từng bang mà các biện pháp này được quy định khác nhau… Nạo phá thai chỉ được thực hiện trong mức tuổi thai cho phép của từng bang, dao động trong khoảng 20 tuần tuổi cho đến trước ba tháng cuối của thai kỳ hoặc khi thai nhi đã có khả năng tự sống sót (được định nghĩa là ngưỡng mà bào thai có 50% khả năng tồn tại bên ngoài tử cung của người mẹ - thường vào khoảng 24 tuần tuổi).

Trong đó, có đến hơn 40 bang trên tổng số 50 bang nghiêm cấm phá thai trừ khi điều đó cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tính mạng thai phụ.

Luật phá thai ở Việt Nam nghiêm ngặt tới mức nào so với thế giới? - Ảnh 3.

Đạo luật được cho là hà khắc về việc phá thai tại Alabama từng làm dấy lên làn sóng tranh cãi kịch liệt trong nội bộ nước Mỹ hồi năm 2019.

Một trường hợp cá biệt từng gây nhiều tranh cãi là vào ngày 14/5/2019, dự luật chóng phá thai được gần như toàn bộ Thượng viện bang Alabama thông qua, trong đó, quy định, những người thực hiện hành vi phá thai ở bang này bị coi là trọng tội, có thể bị phạt tù từ 10-99 năm.

Dự luật cho phép phá thai đối với các trường hợp thai phụ bị đe dọa tính mạng như có mang ngoài tử cung hay thai nhi có dị tật bất thường gây tử vong. Điều này có nghĩa các trường hợp mang thai do hoạt động tội phạm như hiếp dâm, loạn luân cũng không được phép phá bỏ.

 

Nếu các nạn nhân trong trường hợp nói trên phá thai cũng sẽ bị cáo buộc tội hình sự. Bất kỳ bác sĩ nào thực hiện thủ thuật phá thai cho nạn nhân sẽ trở thành đồng lõa bị quy kết phạm tội Giết người cấp độ I.

Châu Âu: Có nơi cho phép, có nơi tuyệt đối cấm

Luật phá thai ở Việt Nam nghiêm ngặt tới mức nào so với thế giới? - Ảnh 4.

Ở Anh, phá thai được hợp pháp hóa kể từ năm 1967, cho phép phá thai với điều kiện phải thực hiện trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai cũng không bị giới hạn, miễn là được sự tư vấn và đồng ý phá thai của hai bác sĩ.

Ở Bỉ, thậm chí có điều luật hình sự quy định về việc phá thai. Theo đó, luật pháp Bỉ cho pháp phá thai trong trường hợp thai phụ cảm thấy "căng thẳng" với việc mang thai. Bộ luật không định nghĩa cụ thể cho sự căng thẳng ở đây nhưng trên thực tế, "căng thẳng" được xem như tình trạng mà thai phụ cảm thấy chưa sẵn sàng có con. Việc phá thai là hợp pháp tại quốc gia này khi thai từ 12 tuần tuổi trở xuống và phải được bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

Trường hợp thai lớn hơn độ tuổi cho phép phá thai theo quy định, các nước châu Âu quy định phải chứng minh được việc phá thai đó là cần thiết để cứu sống hoặc ngăn ngừa chấn thương nghiêm trọng ở người mẹ (cả về vật chất lẫn tinh thần), hoặc thai nhi có nguy cơ tàn tật nghiêm trọng (theo Đạo luật về phá thai ở Anh); hoặc thai nhi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe không thể chữa trị được ở thời điểm chẩn đoán (luật của Bỉ)…

 

Ở Ba Lan, thai phụ chỉ được phép phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc đe dọa sức khỏe của mẹ hoặc em bé. Đây là quốc gia có tỷ lệ phá thai thấp nhất tại châu Âu với chỉ 2 ca phá thai trên 1000 ca sinh vào năm 2012.

Hà Lan là quốc gia châu Âu cho phép phá thai tự do nhất – "theo yêu cầu" của sản phụ. Mặc dù vậy, theo WHO, Nga mới là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Âu với 551 trường hợp được ghi nhận trên 1000 ca sinh (số liệu năm 2011).

Ngoài ra, cũng có một số quốc gia châu Âu cấm tuyệt đối việc phá thai. Malta là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) cấm phá thai hoàn toàn, áp dụng hình phạt từ 18 tháng đến 3 năm nếu vi phạm. Một số quốc gia ở châu Âu nhưng không thuộc EU cấm phá thai như Andorra, Vatican và San Marino.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác:

Nhiều quốc gia cho phép phá thai trong trường hợp cuộc sống của người mẹ gặp nguy hiểm. Các nước và vùng lãnh thổ này gồm Afghanistan, Bangladesh, Guatemala, Iraq, Bờ Biển Ngà, Lebanon, Myanmar, Oman, Pakistan, Paraguay, Somalia, Nam Sudan, Syria, Uganda, Venezuela, Bờ Tây/Gaza và Yemen.

 

Ở nhiều quốc gia, ngoại lệ này được áp dụng một cách cứng nhắc, chưa hợp lý. Ví dụ, ở Paraguay, nạn nhân của tội phạm hiếp dâm, loạn luân vẫn có khả năng bị từ chối cho phá thai trừ khi người bị hại bị biến chứng đe dọa tới tính mạng.

Brazil hay Hàn Quốc cũng có luật hạn chế phá thai, cho phép trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân hoặc hỏng thai.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm