Tư vấn pháp luật

Từ ngày 30/6: Cán bộ, công chức không xử lý công việc trên môi trường mạng sẽ bị coi là không đáp ứng yêu cầu công việc

DNVN - Từ ngày 30/6/2025, toàn bộ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị bắt buộc phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số. Những trường hợp không thực hiện sẽ bị coi là không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định tại Thông báo số 56 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về chuyển đổi số toàn diện.

Người dân có quyền yêu cầu CSGT chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh? / Cách đi qua vạch xương cá (vạch 4.2) đúng luật để không bị phạt tiền và trừ điểm trên bằng lái

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, những cán bộ, công chức không thực hiện đúng yêu cầu này sẽ bị đánh giá là không đáp ứng yêu cầu công việc. Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả cấp tỉnh, huyện và xã phải hoàn thành việc chuyển đổi số, cụ thể là sử dụng môi trường mạng và chữ ký số để xử lý công việc hành chính kể từ ngày 30/6/2025.

Chủ đề chuyển đổi số của năm 2025 được xác định là “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đổi mới tư duy quản lý, cải tiến phương pháp làm việc theo hướng hiện đại, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trong những điểm nổi bật của chương trình là chuyển đổi cung cấp dịch vụ công từ mô hình “xin - cho” sang “chủ động - phục vụ”. Việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Dự kiến, ít nhất 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, và toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được gắn định danh cá nhân.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện chính sách thu phí 0 đồng để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Bộ Công an để hoàn tất việc số hóa dữ liệu hộ tịch, bảo đảm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với thời hạn hoàn thành trước ngày 31/3/2025.

 

Cùng với đó, Bộ Công an có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Quốc hội vào tháng 5/2025. Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Bảo Ngọc (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm