Tử vong vì cúm A/H1N1 sau 2 tuần phát bệnh
Bệnh nhân H.X.K (23 tuổi ở trú tại Yên Bái) đã tử vong sáng 18/4 sau hơn 1 tuần được chuyển đến BV Bạch Mai. Trước đó, ngày 3/4, bệnh nhân K có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đã tự mua thuốc hạ sốt, cảm cúm uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 5/4 bệnh nhân đến một BV ở tỉnh Phú Thọ khám vì khó thở tăng lên, được chẩn đoán viêm phổi và nhập viện điều trị nhưng không đáp ứng, ngày càng nặng lên. Đến ngày 8/4 bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp, nhanh chóng được điều trị tích cực, thở máy và có các biểu hiện rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được sử dụng ngay thuốc Tamiflu và điều trị tích cực nhưng đáp ứng kém và ngày càng nặng lên, tử vong sau hơn 1 tuần nhập viện.
Như vậy đây là ca tử vong do cúm A/H1N1 thứ 2 chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua. Trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới một bệnh nhân nam ở 46 tuổi (Yên Bái đã tử vong sau hai ngày nhập viện). Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Ngày 28/3 bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, đặc đặt ống nội khí quản, thở máy, chụp tim phổi. Hình ảnh chụp tim phổi cho thấy bệnh nhân có tổn thương thâm nhiễm toàn bộ hai bên phổi, bệnh nhân suy hô hấp nặng và bệnh nhân đã tử vong sau hai ngày nhập viện.
Hiện tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho một bệnh nhân cúm A/H1N1 rất nặng được chuyển xuống từ Phú Thọ. Theo đó, bệnh nhân này sốt từ ngày 6/4, sau 4-5 ngày xuất hiện khó thở, vào BV tỉnh Phú thọ chụp phim phổi có tổn thương phổi và được chuyển đến BV Phổi trung ương. Tại đây bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp, được đặt ống NKQ, thở máy và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tối 15/4. Đến nay, sau 4 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân còn rất nặng, vẫn tiếp tục phải thở máy.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca tử vong do cúm phần lớn là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng.
“Các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1 hay cúm mùa, hay H5N1, H7N1. Riêng với cúm đại dịch 2009 là cúm A/H1N1 đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất. Thực tế, các ca cúm A/H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng Tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh để ức chế sự nhân lên của vi rút trong cơ thể, giảm lượng vi rút trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn”, TS Kính nói.
Mai Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo