Tuân thủ quy trình sẽ “chặn” được vụ ngộ độc rượu Nếp 29 HN
Vì không tuân thủ quy trình giám sát nên đã để xảy ra việc Công ty CP XHK 29 Hà Nội pha methanol vượt quá 2000 lần cho phép
Tại buổi tọa đàm An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu do Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Việt , Chủ tịch VBA cho biết, sản lượng rượu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu chính thống hiện nay đạt trên 100 triệu lít. Mỗi năm, ngành rượu nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, lượng rượu không quản lý được, rượu không rõ nguồn gốc mỗi năm cao gấp 2-3 lần lượng rượu chính thống, chiếm tới gần 300 triệu lít. Phần lớn các vụ ngộ độc rượu là do người tiêu dùng uống phải rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế lấy dẫn chứng về vụ ngộ độc rượu Nếp 29 Hà Nội của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (trụ sở ở Long Biên - Hà Nội) mới đây là một ví dụ. Công ty này đã pha chế lượng methanol vượt quá mức, gấp 1.900-2000 lần có thể làm chết người ngay lập tức.
“Với lượng methanol cao như vậy, đến bò còn chết huống gì là người. Lô hàng này do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013, khoảng 10.000 lít. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và thu hồi ngay những sản phẩm này. Nếu không thu hồi sớm, chắc chắn sẽ xảy ra “đại họa”- Ông Hùng nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng đặt ra câu hỏi, làm thế nào để quản lý được thị trường rượu, để những sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương và nhiều đại biểu cho rằng, nếu tuân thủ đúng các quy trình giám sát thì không xảy ra sự việc đáng tiếc như vụ rượu Nếp 29 Hà Nội như vừa qua. Dù sản xuất hay kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào, nhất là mặt hàng nhạy cảm như rượu đều phải tuân thủ đúng các quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Ông Lâm Quốc Hùng cũng cho rằng, việc Nghị định số 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ 31/12/2013 cũng là một cơ sở để quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn, trong đó có quản lý mặt hàng về rượu. Đó là mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân; 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Và điều khoản bổ sung có tính chất tăng nặng là cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị truy tố trước pháp luật.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các bộ ngành quản lý như Bộ Y tế, Bộ Công thương… cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ khâu sản xuất cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các nhà sản xuất, kinh doanh, họ phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm đưa ra thị trường. Việc này cũng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền để người tiêu dùng đến được với các sản phẩm chất lượng của các công ty có uy tín, đồng thời “tẩy chay” các sản phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo