Túi tiền quốc gia: Đã nghèo còn bị xà xẻo
Nguồn thu quốc gia trông chờ phần lớn vào thuế. Thế nhưng, túi tiền quốc gia vốn nghèo lại còn hay bị xà xẻo bởi đủ hình thức gian lận, trốn thuế, nợ đọng...
Xin, chạy, nợ, trốn...
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) lại xin được giảm thuế, phí đối với than với lý do, thuế phí cao khiến DN nhiều khó khăn có nguy cơ thua lỗ. Đây là cách mà TKV áp dụng mỗi khi gặp khó. Năm 2013, TKV đã được miễn giảm thuế xuất khẩu than xuống 10% so với mức 13%, trong khi Việt Nam đang chủ trương tăng thuế để hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô. Cuối 2013, TKV cũng đề xuất miễn, giảm một loạt thuế, phí cho các dự án bô-xít tại Tây Nguyên cũng với lý do khó khăn dù trước đó các dự án cũng đã được ưu đãi nhiều loại thuế.
Nhiều DNNN cũng luôn xin thuế mỗi khi làm ăn gặp khó. Năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) xin giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Mới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) xin ưu đãi về cảng phí... Ô tô Trường Hải được ưu đãi gia hạn 1 năm cho khoản thuế nhập khẩu trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, dù sau đó bị dừng trước thời hạn nhưng nó vẫn là một ví dụ gây tranh luận.
Trong khi đó, chính sách hoàn thuế VAT trong nhiều năm qua đã bị lợi dụng để rút tiền thuế với số tiền vi phạm rất lớn và diện rộng. Chỉ cần nhìn qua thực trạng mua bán hóa đơn và những vụ án lớn về gian lận hoàn thuế VAT cả ngàn tỷ đồng cũng đủ hình dung về vấn nạn này. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giãn, giảm các loại thuế cho DN để hỗ trợ khó khăn trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng cũng bị DN lợi dụng.
Cuối 2013, công an Kiên Giang phá vụ gian lận hoàn thuế lên tới 109,4 tỷ đồng cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu khống hơn 1.094 tỷ. Tháng 12/2013, cơ quan điều tra chống buôn lậu hải quan đã khởi tố 5 vụ buôn lậu, liên quan đến trốn thuế. Trong đó, riêng Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn buôn lậu, chiếm đoạt tiền thuế trong thời gian dài với việc hoàn thuế gần 100 tỷ đồng.
Vấn nạn trốn thuế vẫn rất nghiêm trọng và phức tạp. Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đến hết tháng 9/2014, đã kiểm tra trên 39.000 DN với tổng số thuế tăng thu thêm 7.440 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2014, rà soát 39.637 DN thì có 1.938 DN có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.
Mới kiểm tra một phần nhỏ trong hàng trăm ngàn DN đã thu hồi được khoản thuế rất lớn cũng đủ thấy thực tế trốn thuế, lách thuế, chuyển giá... còn phức tạp hơn nhiều.
Gian lận thuế đặc biệt phức tạp ở loại thuế suất cao như TTĐB. Hàng loạt vụ gian lận thuế TTĐB quy mô lớn ở Công ty rượu Hà Nội hay vụ buôn hàng hiệu Gucci - Mlano được phát hiện với số thuế gian lận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ khi mà thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn rất phức tạp.
Các cá nhân giàu có cũng tìm đủ cách trốn thuế TNCN. Năm 2013, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh truy thu thuế TNCN cả chục tỷ đồng đối với 11 đại gia ở TP. HCM. Trong đó, cá nhân lớn nhất bị truy thu 2,32 tỷ đồng. Còn hàng loạt sao showbiz nổi tiếng cũng bị đưa vào danh sách 'trốn thuế" phải truy thu hàng tỷ đồng.
Trốn thuế ngày càng tinh vi, nhất là tên thị trường tài chính. Qua vụ án bầu Kiên, hành vi trốn thuế thông qua đầu tư ủy thác với quy mô hàng chục tỷ dồng đã bị phát hiện. Cùng lúc, ngành thuế phát hiện và truy thu hàng chục tỷ tiền thuế chuyển nhượng vốn ở Phở 24 và Nha Khoa Hoàn Mỹ.
Ngành thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 đã thu được 17.500 tỷ đồng (tương ứng 29%) số nợ thuế tính đến 31/12/2013 chuyển sang. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn tăng cao. Tổng số nợ thuế của DN đến 31/5/2014 là 68.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2013. Thậm chí, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ thuế khoảng 6.537 tỷ đồng vì khó thu hồi.
Đối tượng nộp thuế gian lận, trốn tránh thì nhiều nhân viên thuế cũng có sai phạm. Cuối 2013, Chi cục Thuế quận 1 - TP. HCM bị phát hiện trong nhiều năm liền "ngâm" hơn 1.441 tỷ mà không chuyển vào tài khoản NSNN. Còn một cán bộ thuế ở Cao Bằng đã chiếm dụng tiền thuế tới 4,5 tỷ đồng cũng bị phát hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế có phát hiện 133 trường hợp vi phạm, trong đó, có tới 7 trường hợp bị xem xét hình sự.
Mấy năm trước, trong một vụ án đã có 6 cán bộ Bộ Tài chính và Cục thuế Đồng Nai, trong đó có Vụ phó của Bộ Tài chính bị xét xử khi "chạy" miễn giảm thuế cho Công ty Grobest & I-Mei Industrial ở Đồng Nai được miễn giảm thuế sai quy định 36 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nói thẳng về tiêu cực trong ngành thuế khi cho rằng công chức thuế toàn ăn vặt. Tuy nhiên, với thực tế trên đây thì có lẽ không hề vặt chút nào.
Nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm xã hội
Hồi đầu năm, Bộ Tài chính công khai số liệu ngân sách nhà nước năm 2014 dự toán bội chi ngân sách năm nay khoảng 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, do ngân sách khó khăn nên 2015 chưa bố trí được nguồn để tăng lương.
Để ổn định ngân sách quốc gia, thuế là nguồn thu quan trọng nhất. Đóng thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân và DN. Đối với mỗi DN, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế tức là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, vừa có lợi cho DN, đồng thời đem lại lợi ích cho cộng đồng, phục vụ cho chính lợi ích của công dân.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, tuân thủ đúng luật thuế đối với doanh nghiệp không chỉ là nghĩa vụ mà còn thể hiện đạo đức kinh doanh. Chấp hành nghiêm chỉnh luật thuế chính là nền tảng tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp trước pháp luật cũng như tạo nên một thương hiệu bền vững trên thương trường.
Trao đổi về trách nhiệm xã hội của DN, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, trách nhiệm xã hội của DN được thể hiện trước hết qua việc đóng thuế. Các doanh nghiệp đóng thuế không phải chỉ để nuôi Nhà nước, mà là để Nhà nước có nguồn kinh phí chăm lo cho các nhu cầu của xã hội.
NSNN có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. NSNN sẽ cung cấp kinh phí đầu tư cho cơ sở kết cấu hạ tầng - chăm lo xã hội. Đồng thời, Nhà nước có thể dùng ngân sách để trợ giúp trực tiếp dành cho những người có thu nhập thấp hay có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.
Vì thế, có thể hình dung NSNN như một "nồi cơm chung" hay quỹ chi tiêu của một gia đình lớn, trong đó có sự đóng góp bắt buộc của những "đứa con" doanh nghiệp hay cá nhân. Theo Tổ chức ActionAid, thuế là sức mạnh mang đến sự công bằng và sự phát triển cho xã hội. Sức mạnh của thuế nằm ở chỗ nó giúp Nhà nước đầu tư cho các dịch vụ công, y tế, xóa đói giảm nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đất nước phát triển nhờ vào nguồn thu thuế.
Chính vì thế, tình trạng trốn, gian lận... ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của ngân sách, đầu tư phát triển cho xã hội và cơ hội hưởng thụ công bằng của mọi đối tượng. Đấu tranh với gian lận thuế cũng là cuộc chiến giành công bằng cho mọi đối tượng về nghĩa vụ và cơ hội trong xã hội.
Theo Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo