Tượng đài của lòng dân
Phóng viên: Trước thời khắc đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma - ngày 13-3, hẳn ông có rất nhiều cảm xúc?
- Ông Đặng Ngọc Tùng: Có lẽ không riêng tôi mà rất nhiều người đều có chung niềm xúc động, tự hào và hạnh phúc vì cuối cùng, ước nguyện về một công trình tưởng nhớ những người con đã ngã xuống cho Tổ quốc trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã thành hiện thực. Khu tưởng niệm không chỉ làm ấm lòng những người ra đi mà còn là sự an ủi rất lớn đối với thân nhân của những chiến sĩ đã ngã xuống; rằng Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn những người con trung hiếu đã không tiếc máu xương cho sự toàn vẹn chủ quyền của đất nước.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 4 khóa XI ngày 6-6-2014, cùng với tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của chúng ta, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra quyết định xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Đó có phải là điểm rơi của nhiều hoạt động liên tục của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong vấn đề biển đảo nói riêng và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nói chung?
- Những năm gần đây, hoạt động của ngư dân chúng ta trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc liên tục bị phía Trung Quốc cản trở, gây khó khăn. Nhiều ngư dân bị mất tàu, bị tịch thu ngư cụ, bị đánh roi điện dã man gây thiệt hại nặng nề về tinh thần và của cải...
Trước tình hình đó, tổ chức CĐ đã xúc tiến thành lập nghiệp đoàn nghề cá để gắn kết ngư dân vừa hoạt động sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Song song đó, CĐ đã phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa” nhằm kêu gọi sự đóng góp của các cấp CĐ, CNVC-LĐ, các mạnh thường quân giúp ngư dân mua sắm, sửa chữa tàu bị hư hại, trang thiết bị máy móc, ngư cụ và những vật dụng cần thiết để yên tâm bám biển.
Đặc biệt, ngày 13-3-2014 tại Đà Nẵng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chính thức phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”; vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và hỗ trợ cha mẹ, vợ con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong 2 trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn.
Như vậy, ý tưởng xây dựng đền tưởng niệm đã có từ trước?
- Đúng vậy. Dân tộc ta có đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hơn 40 năm trước, ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, thủy thủ quân lực Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và tử trận, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức, 64 cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời nhắc nhở bài học cảnh tỉnh về nguy cơ ngoại xâm đến từ biển để chúng ta phải cảnh giác.
Có ý kiến cho rằng đúng như mong muốn của tổ chức CĐ, “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, trong đó có việc xây Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, không chỉ được triển khai sôi nổi trong CNVC-LĐ và các cấp CĐ mà còn nhận được sự đồng thuận của cả xã hội...
- Là vì “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” đã chạm vào tình cảm thiêng liêng, sâu nặng nhất của mỗi con người: Tình yêu quê hương, đất nước; là sự biết ơn đối với những người đã quên đi cuộc sống của bản thân vì sự trường tồn của Tổ quốc. Khu tưởng niệm được hình thành chính là biểu hiện của lòng dân hướng về các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma; là ý chí của triệu triệu con dân nước Việt về sự toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Có phải chính vì vậy mà mọi việc đã được xúc tiến nhanh đến bất ngờ từ triển khai quyết định, chọn địa điểm, chọn phương án thiết kế, làm lễ đặt viên đá đầu tiên?
- Tôi rất xúc động và cảm ơn sự hưởng ứng của đông đảo CNVC-LĐ, người dân, các cấp, ngành... đã chung tay với tổ chức CĐ để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa công trình Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma: Tháng 6-2014, chính thức quyết định; tháng 7-2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế; đầu tháng 9-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có ý kiến chấp nhận địa điểm xây dựng khu tưởng niệm; tháng 10-2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức khảo sát thực địa với sự tham gia của 28 kiến trúc sư đến từ TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội...
Có thể nói, công tác “hậu cần” của việc xây dựng khu tưởng niệm đã được tiến hành hết sức khẩn trương song song với việc các cấp CĐ cả nước tổ chức các hoạt động đóng góp, ủng hộ. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 1 năm, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành.
Khi công trình hoàn thành, riêng cá nhân ông muốn gửi gắm điều gì?
- Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma có quy mô 20.000 m2, được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ công trình được thiết kế là một khu công viên sinh hoạt cộng đồng gần gũi với người dân và việc tưởng niệm không chỉ diễn ra vào ngày lễ.
Như tên gọi của nó - Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, tôi mong nơi đây sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước nhằm ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chừng nào Gạc Ma và Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhớ cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối.
Đã có hơn 16 tỉ đồng ủng hộ
Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được hơn 16 tỉ đồng ủng hộ xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Hôm nay, 13-3, tại Công viên Biển Đông ở bán đảo Cam Ranh, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên và tiếp tục đón nhận sự ủng hộ của các cấp CĐ, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Các đơn vị và cá nhân có thể ủng hộ bằng một trong các hình thức: Ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật để xây dựng khu tưởng niệm; mỗi CNVC-LĐ ủng hộ 1 viên gạch (trị giá 20.000 đồng); nhắn tin với cú pháp “GM” gửi 1407 để ủng hộ 14.000 đồng (phí gửi tin nhắn 300 đồng/tin), thời hạn bắt đầu từ ngày 10-3 đến 9-5. Ngoài ra, có thể ủng hộ trực tiếp tại số 51 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng, số tài khoản: 10201.00000.13374 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Giao lưu với thân nhân, cựu binh Gạc Ma
Ngày 12-3, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết nhân dịp xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa hướng đến sự kiện này.
Theo đó, tại lễ đặt viên đá đầu tiên, sẽ có nhiều chương trình văn nghệ, tặng quà thân nhân các liệt sĩ, giao lưu với đơn vị Hải quân Vùng 4 và đơn vị thiết kế khu tưởng niệm... Đặc biệt, các đại biểu sẽ giao lưu với các thân nhân liệt sĩ: bà Nguyễn Thị Hằng - mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị; chị Đinh Mỹ Lệ, con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng một số cán bộ, chiến sĩ từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma...
End of content
Không có tin nào tiếp theo