Tưởng thuốc cam bổ, hóa ra thuốc độc
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về tình trạng ngộ độc chì như thế này, nhưng việc sử dụng thuốc cam độc vẫn khá phổ biến.
Thập tử nhất sinh vì thuốc cam
Cách đây 10 ngày, đột nhiên cháu Nguyễn Mạnh Hưng, 13 tháng tuổi (Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) dù không bị sốt nhưng ho, trớ và co giật cứng người. Vào BV Nhi T.Ư, cháu được chẩn đoán viêm màng não, điều trị 10 ngày bé hết co giật nhưng không tỉnh táo. Xét nghiệm chì trong máu đạt mức 81,6%, BS chẩn đoán cháu bé đã bị ngộ độc chì và phải chuyển sang Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai để thải chì.
Chị Nguyễn Thị Thủy không ngờ chị đã làm hại con mình, tưởng uống thuốc bổ cho con nào ngờ lại là “thuốc độc” hại con mình. Chị cho biết đã cho con ăn thuốc cam từ khi bốn tháng tuổi. Khi bé lớn, chị trộn cả vào cháo của bé. Ở quê chị, gia đình nào có con nhỏ cũng mua thuốc cam cho uống để cháu bé hay ăn, chóng lớn, tránh sài bẹn... Qua thời gian, chì trong thuốc cam đã ngấm dần vào máu và gây nên tình trạng ngộ độc khiến cháu bé thập tử nhất sinh như bây giờ.
Nằm cùng giường với Hưng là bé Phạm Hương Linh, chín tháng tuổi (ở Vĩnh Phúc) vẫn đang lơ mơ chưa tỉnh. Bố Linh cho biết, bé bị loét miệng và gia đình đã mua thuốc cam về cho uống và bôi. Được ba lần thì bé bị nôn trớ và co giật. Các bác sĩ cũng kết luận bé bị ngộ độc chì từ thuốc cam.
Di chứng nặng nề
TS Phạm Duệ, GĐ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) - cho biết, chưa bao giờ phải dành riêng một phòng cho các cháu bị ngộ độc chì như bây giờ, vì số lượng quá đông. Từ tết đến nay đã có trên 130 cháu phải nhập viện, có đợt 9 – 10 cháu cùng vào viện. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới ba tuổi, thậm chí cả trẻ 1 tháng tuổi cũng bị bệnh. Nhiều nhất là trẻ ở Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa... Nguyên nhân tất cả đều bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc cam, không chỉ thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà còn có cả các thuốc gia truyền nổi tiếng.
Chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính như các trường hợp trên. Chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ... khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh.
Vì thế, theo TS Phạm Duệ - GĐ Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai: Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong. Việc điều trị có thể kéo dài hàng năm nhưng vẫn có thể để lại những di chứng. Thậm chí, sự phát triển, trí thông minh của trẻ cũng bị ảnh hưởng rất rõ rệt. Đã từng có cháu bé 5 tuổi ngộ độc chì vì uống thuốc nam chữa động kinh dù được thải chì 1,5 năm nhưng sau đó vẫn chậm phát triển trí tuệ.
Vì vậy, cha mẹ cần rất thận trọng khi cho con dùng thuốc cam, đặc biệt là thuốc mua của những người bán rong, thuốc mẹt, thuốc chữa bách bệnh. Các loại thuốc này không được kiểm nghiệm, không rõ thành phần, thậm chí không biết nguồn gốc. TS Duệ cũng mong muốn có sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng sản xuất (hoặc nhập khẩu), phân phối và sử dụng loại thuốc này.
Theo LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh