Tuyển sinh ĐH 2018: Nhiều ngành học mới xuất hiện, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển
Lần đầu đào tạo
Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, trường đã được Bộ GD-ĐT cấp phép tuyển sinh thêm 2 ngành mới trong năm 2018 gồm: mỹ thuật đô thị và quản lý xây dựng. Trong đó mỹ thuật đô thị là ngành rất mới, lần đầu tiên được tổ chức đào tạo tại VN trình độ ĐH.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tuyển sinh thêm 6 ngành mới trong năm nay gồm: sư phạm công nghệ, quản lý xây dựng, kiến trúc, kỹ thuật đồ họa, năng lượng tái tạo, quản lý nhà hàng ẩm thực. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi ngành sẽ tuyển sinh 50 chỉ tiêu. Trong đó riêng ngành sư phạm công nghệ sẽ tuyển sinh theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, đào tạo giáo viên công nghệ phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến mở thêm một số ngành và chuyên ngành mới. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường đã hoàn thành thủ tục mở ngành quản lý công (xét tuyển theo các tổ hợp: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh; toán, tiếng Anh, khoa học xã hội). “Ngành này đã được đào tạo từ lâu bậc sau ĐH nhưng là ngành mới lần đầu tiên có mã ngành riêng ở bậc ĐH”, thạc sĩ Đương nói. Ngoài ra, hội đồng khoa học các khoa đang tính toán mở thêm các ngành và chuyên ngành khác như chuyên ngành tài chính quốc tế.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng có văn bản gửi Bộ cho phép nâng cấp 3 chuyên ngành cũ thành 3 mã ngành đào tạo bậc ĐH gồm: kỹ thuật xây dựng công trình thủy, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật ô tô.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay trường có một ngành mới là khoa học chế biến món ăn, xét tuyển bằng 4 tổ hợp: toán - lý - hóa, toán - lý - tiếng Anh, toán - lý - hóa và toán - hóa - tiếng Anh.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới: ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam học. Cả 2 ngành đều xét tuyển 4 tổ hợp: toán, lý, tiếng Anh; văn, sử, địa; toán, văn, tiếng Anh; văn, địa, tiếng Anh. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM dự kiến tuyển sinh thêm ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, công nghệ truyền thông, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Trường ĐH Quốc tế dự kiến mở thêm 3 ngành: khoa học dữ liệu, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật cơ khí. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dự kiến mở thêm 3 ngành mới gồm: du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống...
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển
Bên cạnh ngành học mới, nhiều trường còn dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển theo hướng phù hợp hơn.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến không sử dụng tổ hợp xét tuyển mới có chứa bài thi tổ hợp D90 (toán, khoa học tự nhiên, tiếng Anh) trong năm nay mà thay thế bằng D07 gồm: toán, hóa, tiếng Anh.
Trong phương án tuyển sinh dự kiến, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng không tiếp tục sử dụng tổ hợp D90. Tổ hợp xét tuyển các ngành của trường gồm: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; và văn, toán, tiếng Anh.
Bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bổ sung các tổ hợp mới gồm: toán, hóa, tiếng Anh; toán, sử, tiếng Anh; toán, địa, tiếng Anh; văn, lý, tiếng Anh. “Điều chỉnh này nhằm thực hiện định hướng tuyển thí sinh giỏi ngoại ngữ, nâng dần chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên”, thạc sĩ Sơn cho hay.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến bỏ môn vẽ trong tổ hợp xét tuyển của 2 ngành kiến trúc và thiết kế nội thất. Hai ngành này xét tuyển theo tổ hợp mới gồm: toán, lý, hóa; và toán, văn, tiếng Anh. Thí sinh xét tuyển vào 2 ngành này trong năm tới không phải dự thi môn vẽ. Ngành ngôn ngữ Nhật cũng thay thế tổ hợp toán, văn, tiếng Nhật bằng tổ hợp mới văn, địa và tiếng Anh.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến dừng tuyển sinh ngành công nghệ kỹ thuật máy tính. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết ngành học này hiện thuộc nhóm ngành điện tử; nhưng theo danh mục mã ngành giáo dục đào tạo cấp IV mà Bộ mới ban hành, đây là mã ngành thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin. “Nếu chuyển ngành công nghệ kỹ thuật máy tính về nhóm ngành công nghệ thông tin cần phải xây dựng lại chương trình học và đội ngũ. Trong khi đây là ngành không có nhiều thí sinh quan tâm trong số các ngành đào tạo của trường nên hội đồng khoa học quyết định phương án trên”, ông Nhân nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo