Tỷ phú trẻ làng biển
35 tuổi, Trần Kim Trung (thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) khiến nhiều người nể phục. Từ đôi tay trắng, hơn 20 năm bám biển anh sở hữu với khối tài sản mơ ước là đội tàu 3 chiếc tổng công suất 2.260 CV cùng ngôi biệt thự khang trang giữa làng biển
Nâng dần ước mơ
Tuổi thơ Trung gắn với cái nghèo khó, nhọc nhằn nơi làng biển. Nhà 6 anh em đều phải nghỉ học giữa chừng. 14 tuổi, cậu bé Trung đã theo tàu ra biển mưu sinh. Cái nắng gió, mặn mòi của biển ngấm vào da thịt, vào cả tuổi thơ cơ cực, canh cánh giấc mơ vươn lên làm giàu.
Tích cóp, dụm dành sau hơn 5 năm đi biển được chút vốn, anh bàn với một người anh trai cùng cha khác mẹ góp vốn, vay mượn thêm đóng mới chiếc tàu 39 CV, trang bị thêm ngư cụ cần thiết, tổng trị giá 200 triệu đồng. “Lúc đấy, để có chừng ấy tiền mình cũng phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Nhưng quyết phải sắm mới chiếc tàu, mình làm chủ chứ làm thuê mãi không thể khá lên được”, anh Trung nói.
Anh Trung vẫn nhớ như in những mẻ lưới tràn đầy cá thu, hố, nục, ngừ. Anh em ôm nhau vui mừng, thế là có tiền trả nợ. Những chuyến đi biển dài thêm, xa hơn. Vốn liếng cứ thế tăng dần. Cũng không ít lần con tàu của anh gặp sóng to gió lớn chao đảo giữa trùng khơi. Đặc biệt, trận bão năm 1997 sóng to, trời mù mây, gió mạnh quá khiến cho con tàu ngả nghiêng như sắp bị đánh úp.
Thuyền trưởng trẻ kịp trấn an các bạn tàu, bình tĩnh vận dụng kinh nghiệm người xưa và cả những điều học được từ thực tế. Anh và 15 ngư dân trên tàu bình tĩnh cùng các tàu khác đang đánh bắt trên cùng tọa độ liên kết lại với nhau rồi dùng dây neo buộc chặt các phương tiện lại như một cái bè lớn, nhờ vậy mà cả 6 con tàu không bị gió bão nhấn chìm. Bảo toàn tính mạng nhưng phương tiện và ngư cụ bị hư hỏng, mất mát khá nhiều.
Bám ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa
Năm 2006, anh Trung vay thêm vốn ngân hàng mạnh dạn mua lại chiếc tàu xa bờ 168CV của ngư dân ở Quy Nhơn và cùng lúc nâng cấp công suất 2 con tàu lên 730 CV để thực hiện khát vọng vươn khơi, làm giàu. Dần dần anh trở thành ông chủ của 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất 1.460 CV trị giá gần 5 tỷ đồng, vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2010, anh tiếp tục đóng thêm 1 chiếc tàu mới trên 3 tỷ đồng có công suất 800CV. Con tàu BĐ 97157 có thân dài 22m, rộng 6,8m và cao 3,5m, khá bề thế, cùng giàn ngư cụ hiện đại như máy dò cá, máy thông tin tầm xa HF, định vị, đàm dài, đàm ngắn… đến hệ thống ròng rọc kéo lưới, giàn câu, đèn cao áp giúp cho con tàu sẽ chịu được sóng gió trên cấp 7, cấp 8.
“Nghị lực của anh Trần Kim Trung không chỉ là niềm tự hào mà là tấm gương cho nhiều bạn trẻ vươn lên, phấn đấu. Đó là ý thức tự vươn lên, bản lĩnh làm giàu và làm giàu chính đáng và cả ý thức bám biển, bảo vệ chủ quyền dân tộc" Anh Nguyễn Hùng Cường, Bí thư Đoàn xã Hoài Thanh.
Trong “hành trình” hơn 20 năm bám biển, anh Trần Kim Trung đã tạo công ăn việc làm cho gần trăm lao động ở địa phương cả trên biển, lẫn trên bờ với mức thu nhập bình quân 3,5 đến 7 triệu đồng/tháng. Nhiều bạn nghề được anh dìu dắt cho mượn hàng trăm triệu đồng sắm mới phương tiện để hành nghề riêng. Ngư dân Lê Văn Thiện, chia sẻ: “Người như anh Trung hiếm có. Chẳng những giúp đỡ nhiều về vật chất mà anh Trung còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm ăn nên ai cũng mến”.
Trong câu chuyện, ngoài những phút hào hứng nói về biển, về những chuyến biển được mùa, có lúc anh ngưng lại, đôi mắt xa xăm. “Giờ nhớ biển, nhớ lắm nhưng cũng không thể trực tiếp điều khiển con tàu của mình vươn ra vùng biển Tổ quốc chỉ sau một lần bị tai biến đột ngột cách đây 5 năm”. Hiện, anh đầu tư thêm 3 chiếc ô tô để làm dịch vụ và từng ngày quản lý, theo dõi ba chiếc tàu của mình vươn khơi bám biển.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo