Tin tức - Sự kiện

Ứa nước mắt cảnh bố trẻ chăm các con ung thư, bại não

Ước mong về một gia đình hạnh phúc có vợ, có chồng cùng nuôi dưỡng các con nên người của anh Lê Văn Hiệp (ở thôn Hội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) dường như quá xa vời. Kể từ ngày những đứa con của anh sinh ra với căn bệnh quái ác, người vợ đã dứt áo ra đi, để lại cho anh chăm các con bại não, ung thư trong nỗi khổ cùng cực của kiếp người.

Bé Đức mắc căn bệnh ung thư bạch cầu cấp cũng đã được hơn một năm.
Bé Đức mắc căn bệnh ung thư bạch cầu cấp cũng đã được hơn một năm.

Vợ bỏ nhà khi con bệnh tật
Tìm đến Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương) khi anh Lê Văn Hiệp vừa đi xin suất cơm từ thiện cho bữa trưa về. Một suất cơm cho hai cha con, khi con ăn không hết thì cha ăn. Đây như là nguồn lương thực chính nuôi hai cha con những ngày trong bệnh viện. Những ngày không có cơm từ thiện anh mới dám ra ngoài mua, nhưng cũng chỉ dám mua suất cơm cùng vài ba miếng thịt cho cả hai cha con.
37 tuổi, nhưng nhìn anh Hiệp như người đàn ông đã bước sang tuổi 50 với thân hình gầy gò, làn da đen sạm, đôi mắt trũng sâu vì thức đêm. Nỗi lo âu hằn trên khuôn mặt người đàn ông 37 tuổi này, bởi anh phải chăm đến hai đứa con, đứa thì ung thư, đứa thì bại não.
Anh Hiệp kể, năm 2000, anh lấy vợ ở cùng thôn rồi vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp bằng nghề thợ mộc. Năm 2002, anh chị chào đón đứa con gái đầu lòng trong niềm hân hoan, hạnh phúc. Nhưng khi một tháng tuổi, cô bé bắt đầu có dấu hiệu của bệnh bại não. Anh chị chạy chữa cho con khắp nơi nhưng tình hình bệnh tật vẫn không thuyên giảm. Con đầu đã vậy, đến con gái thứ hai ra đời cũng bị bại não giống như chị. Sóng gió trong gia đình anh cũng xảy đến kể từ ngày đó. Vợ anh sau hai lần sinh con bệnh tật đâm chán chường đổi tính, không thiết tha gì chồng con.
Anh đi làm xa nhà, vợ anh chẳng những không thương chồng vất vả mà còn bỏ nhà đi, mặc con cái vất vưởng. Thời gian đầu không thấy vợ về, anh còn tưởng vợ bị… lừa bán sang Trung Quốc. Nhìn cảnh người đàn ông vừa lo chăm con vừa lo đi tìm vợ về mà ai nấy cũng xót xa.
Năm 2009, đứa con thứ ba của anh chào đời. Đó là một bé khôi ngô, tuấn tú và may mắn là cháu khỏe mạnh, không bị giống các chị. Nhưng khi cháu bé được 8 tháng tuổi, người vợ ấy lại bỏ nhà đi biền biệt. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng ra tòa, anh nhận nuôi cô con gái đầu và cậu con trai út, còn vợ anh nuôi con gái thứ hai. Nhưng sau đó, vợ anh cũng đem con vào một ngôi chùa ở quận Gò Vấp (TP HCM) gửi. Xót xa thương con nhưng người cha đành “lực bất tòng tâm” bởi cũng đang phải gồng gánh nuôi hai con.
Niềm hy vọng cuối cùng bị dập tắt vì con ung thư

 

Ước mong lớn nhất của anh bây giờ chỉ là con cái có thể khỏe mạnh, khôn lớn nên người.
Ước mong lớn nhất của anh bây giờ chỉ là con cái có thể khỏe mạnh, khôn lớn nên người.

Chỉ có một mình tại nơi đất khách quê người, thời gian chăm con chẳng có nhiều nên anh đành gửi đứa con út về cho ông bà nội chăm sóc. Nhưng một thời gian sau, khi đang đi làm anh nhận được tin bé Đức bị ốm. Anh vội vã bắt xe về quê đưa con đi khám vì lo sợ con cũng sẽ bị giống các chị. Kết quả xét nghiệm con anh không bị bại não nhưng lại bị căn bệnh ung thư bạch cầu cấp, chi phí điều trị còn tốn kém gấp trăm lần. Vậy là tia hy vọng cuối cùng của anh cũng bị dập tắt.
Ôm đứa con trai vào lòng, anh không giấu nổi nước mắt: “Ngày xưa bố tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Đời tôi thì không bị nhưng đời con lại gánh hết hậu quả. Cháu Đức bị căn bệnh này từ khi mới hơn 4 tuổi, chung sống với nó đến nay cũng được hơn một năm rồi”.
Con thì bị bệnh tật, bố anh thì bị tai biến, mẹ cũng đã nhiều tuổi, cực chẳng đã anh phải nghỉ làm về quê chăm con, phụ giúp ông bà. Kinh tế gia đình vốn đã khốn khó nay càng eo hẹp hơn. Kể từ ngày cháu Đức bị bệnh, bao nhiêu vật dụng trong gia đình đều được anh mang đi cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho con.
Anh Hiệp không nhớ con trai đã phải điều trị bao nhiêu đợt thuốc. Một tuần hoặc vài ngày, hai bố con lại bắt xe buýt lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Đợt gần đây, bệnh tình của cháu chuyển nặng hơn nên phải ở lại bệnh viện. “Trước kia cháu điều trị ngoại trú thì còn có thời gian đi làm công nhật cho nhà người ta kiếm thêm 100.000  - 200.000 đồng/ngày. Giờ cháu nằm viện thế này, tôi đành phải nghỉ làm ở viện chăm con. Có những lúc hết tiền tôi phải cạy cửa nhờ vả anh em, bạn bè...”, anh Hiệp mệt mỏi kể.
Ngôi nhà của anh hiện chẳng khác gì ngôi nhà hoang và chủ yếu là dùng để “nhốt” cô con gái lớn bại não nay đã 13 tuổi. Theo anh Hiệp: “Cháu không ý thức, thả ra là phá khắp nơi. Vớ được gì là đập phá hết hoặc lao đầu vào tường. Mấy năm trước bố mẹ tôi khỏe, còn để ý cháu được. Bây giờ đành cho cháu nằm võng “treo” lên, lúc ăn uống thì “thả” ra. May mắn là cháu bị vậy nhưng không ốm đau gì khác”.
Kinh tế trong gia đình anh bây giờ chỉ phụ thuộc vào số tiền trợ cấp thương binh 1.150.000 đồng của bố anh và tiền trợ cấp tàn tật 520.000 đồng của cô con gái lớn. Mẹ anh dù đã ngoài 80, cái tuổi đáng lẽ ra người ta được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu thì bà vẫn vất vả tăng gia sản xuất phụ giúp gia đình anh. Mỗi tháng anh cũng chỉ đi làm mộc thuê được 5 – 6 ngày, tiền công mỗi ngày 150.000 đến 200.000 đồng, còn lại phải đi theo con vào viện.
“Con thì bệnh tật, có những lúc tôi cũng đã nghĩ đến cái chết cho thoát nợ nhưng nhìn những đứa con, tôi làm sao có thể ích kỉ như vậy. Thôi thì mình cố gắng nuôi các con đến ngày nào hay ngày đấy…”,  anh Hiệp nói mà nước mắt chỉ chực rơi.

Nên đọc
Theo Báo Gia đình & Xã hội
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo