Tin tức - Sự kiện

UBTVQH thảo luận 2 dự án luật

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, chiều (11/4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về 2 dự thảo Luật: Luật Phòng chống thiên tai và Luật Khoa học và Công nghệ.

Giao Chính phủ quy định Quỹ phòng chống thiên tai


(chinhphu.vn) Đa số đại biểu bày tỏ sự tán thành đối với quy định về nguồn nhân lực trong phòng chống thiên tai (PCTT), cũng như vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong công tác này.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội, cho biết: Trên thực tế, khi thiên tai xảy ra, quân đội và công an luôn là lực lượng nòng cốt trong trong việc sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và khắc phục hậu quả thiên tai theo sự điều động của người có thẩm quyền. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong PCTT, trên cơ sở đó Nhà nước có cơ chế đầu tư tài chính, trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện, diễn tập để nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang trong lĩnh vực này.

Về Quỹ PCTT, đa số ý kiến tán thành quy định về Quỹ PCTT như dự thảo Luật. Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, đây là vấn đề cần thiết và phức tạp, vì nó liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội như: doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực ngoài nhà nước; điều kiện kinh tế-xã hội các vùng miền... nên sẽ có sự khác biệt về phương thức xác định mức đóng góp cũng như đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp... Do vậy, vấn đề này nên giao Chính phủ quy định. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá toàn diện, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về nội dung này.

Về ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách về công tác PCTT trực thuộc UBND tỉnh, Thường trực Ủy ban KHCNMT cho rằng, trong dự thảo Luật chỉ quy định về Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Còn vấn đề cơ quan chuyên trách về công tác PCTT trực thuộc cơ quan nào sẽ do Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn.

Doanh nghiệp nhà nước phải lập Quỹ phát triển KHCN

Về đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ (KHCN), theo Ủy ban KHCNMT, dự thảo đã phân định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập dự toán cho việc thực hiện nhiệm vụ KHCN. Cụ thể, dự thảo đã quy định rõ hơn thẩm quyền của Bộ KHCN trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổng hợp, đề xuất dự toán chi ngân sách Nhà nước dành cho KHCN hằng năm. Đồng thời, dự thảo cũng quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc lập dự toán theo đề xuất của Bộ KHCN. Ngoài ra, dự thảo cũng xác định rõ hơn mục đích chi ngân sách Nhà nước để đảm bảo sử dụng đúng ngân sách cho KHCN, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Về Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, các Đoàn ĐBQH còn có ý kiến khác nhau trong việc quy định trách nhiệm lập quỹ của doanh nghiệp. Dự thảo đã quy định theo hướng bắt buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải thành lập Quỹ phát triển KHCN. Đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, dự thảo khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KHCN của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KHCN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ. Đồng thời, để phát huy hiệu quả sử dụng Quỹ, dự thảo cho phép doanh nghiệp có toàn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nói: Luật Thuế TNDN quy định các DN được chi không quá 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KHCN, vì e ngại DN trích quỹ quá nhiều sẽ làm thất thu cho ngân sách. Bộ KHCN cho rằng nên bỏ quy định mức “trần” để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Vì nếu DN trích hơn 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ phát triển KHCN trong một vài năm để đầu tư phát triển KHCN phục vụ sản xuất, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó doanh thu, lợi nhuận cũng tăng theo, và DN cũng không phải trích Quỹ ở mức cao nữa (vì đã đầu tư đủ) từ đó, thì lợi nhuận và mức thu thuế sẽ cao lên.

Về danh hiệu vinh dự Nhà nước, dự thảo đề xuất quy định thêm về Nhà khoa học ưu tú, Nhà khoa học nhân dân như một số lĩnh vực khác để tránh ”thiệt thòi” cho nhà khoa học. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đa số các ý kiến phản hồi đều cho rằng đã có các giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao, không cần thiết phải quy định các danh hiệu trên.
 
 
 
Hồng Lĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo