UBTVQH thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Sáng 11/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 14. Phiên họp diễn ra trong 8 ngày (từ ngày 11/9- 20/9) với nhiều nội dung quan trọng trong việc xem xét, cho ý kiến về 10 dự án Luật, các Báo cáo công tác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, các dự thảo Nghị định, Hiệp định khung, công tác giám sát...và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sắp tới.
Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 4 gồm các Dự án: Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; Luật An ninh mạng; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã được thông qua tại các kỳ Đại hội VIII, X, XI và XII của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng một số ĐKKT để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá.Mục tiêu xây dựng luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt các Nghị quyết của Đảng về phát triển các ĐKKT. Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương và các quy định liên quan. Luật này áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế-xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Việc xây dựng dự án Luật cũng trên quan điểm là mô hình tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng phải bảo đảm tính đột phá, khác biệt, phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB nhưng phải giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường.
Chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và điều hành các mặt hoạt động của đơn vị HCKTĐB; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.
Ngoài các chính sách áp dụng chung đối với các đơn vị HCKTĐB, quy định chính sách đặc thù áp dụng riêng cho từng đơn vị HCKTĐB để phát triển các ngành, nghề ưu tiên phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đơn vị.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định đây là một dự án luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở Việt Nam. Việc soạn thảo dự án Luật đã được Chính phủ tập trung triển khai ngay sau khi có Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị. Hồ sơ, trình tự thủ tục xây dựng luật về cơ bản tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, do dự án có đề cập nhiều chính sách mới, phức tạp, một số cơ chế đang có tính thử nghiệm, thời gian chuẩn bị chưa dài nên nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Các cơ chế chính sách đặc thù, có tính đột phá dự kiến áp dụng cho các đơn vị HCKTĐB cần được đánh giá tác động một cách toàn diện, khoa học, khách quan về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm thu hút đầu tư, đồng thời cũng phải chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, trong khi vẫn phải bảo đảm ổn định đời sống của người dân.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB. Cùng với đó là đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với đơn vị HCKTĐB để bảo đảm sự thành công của mô hình này. Đánh giá thực trạng của các đặc khu kinh tế hiện có của các nước trong khu vực và khả năng thu hút đầu tư của các đơn vị HCKTĐB sau khi được thành lập; tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này vì các địa bàn dự kiến thành lập ba đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có vị trí chiến lược, nhạy cảm...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng